Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang đề nghị cơ quan chức năng giải đáp vướng mắc như sau:
Tại Điểm 2.8, Phụ lục 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “2.8. Tổ chức, cá nhân mua hàng hoá, người bán đã xuất hoá đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hoá không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hoá, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi rõ hàng hoá trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có). Trường hợp người mua là đối tượng không có hoá đơn, khi trả lại hàng hoá, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hoá, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hoá đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hoá đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập”.
Trường hợp 1: Công ty A bán hàng cho công ty B. Khi công ty B trả lại hàng cho công ty A thì thực hiện lập hóa đơn trả lại hàng cho công ty A theo hướng dẫn trên và đây không phải là hoạt động bán hàng nên hóa đơn trả lại hàng không tạo ra doanh thu cho công ty B, công ty B không chịu thuế trong trường hợp này.
Trường hợp 2: Công ty A bán hàng cho hộ kinh doanh C. Khi hộ kinh doanh C trả lại hàng cho công ty A thì phải lập hóa đơn trả lại hàng cho công ty A hay hộ kinh doanh C thuộc đối tượng không có hóa đơn trong trường hợp đặc biệt này nên bên bán thu hồi hóa đơn đã lập theo hướng dẫn trên.
Theo phản ánh của Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang, trước năm 2016, hộ kinh doanh được khoán doanh thu tháng là 300 triệu đồng thì không sử dụng hóa đơn hay có sử dụng hóa đơn không quá 300 triệu đồng/tháng thì vẫn nộp thuế khoán giống nhau, vì vậy việc xuất hóa đơn trả lại hàng không có vướng mắc.
Từ năm 2016, mức khoán cho hộ kinh doanh không bao gồm hóa đơn, mỗi lần sử dụng hóa đơn đều phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN thêm một lần nữa trên từng hóa đơn. Vướng mắc phát sinh từ lúc này.
- Nếu hộ kinh doanh C phải lập hóa đơn khi trả lại hàng cho công ty A thì phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN hóa đơn trả hàng này trong khi đây không phải là hoạt động bán hàng.
Cũng là hoạt động trả lại hàng mua nhưng công ty B (doanh nghiệp) không phải chịu thuế vì không phải là hoạt động bán hàng thì hộ kinh doanh C (hộ kinh doanh) lại phải chịu thuế GTGT và thuế TNCN trong trường hợp không phải bán hàng thì thật vô lý.
- Nếu trong trường hợp đặc biệt này (trả lại hàng mua) hộ kinh doanh C được xử lý như đối tượng không có hóa đơn nên bên bán thu hồi hóa đơn đã lập theo hướng dẫn trên thì hợp lý vì hộ kinh doanh C không có bán hàng nên không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN thì hợp lý.
Nhưng hiện nay cơ quan thuế nhiều địa phương không chấp nhận hộ kinh doanh là đối tượng không có hóa đơn trong trường hợp trả lại hàng mua nên đều buộc hộ kinh doanh thực hiện hóa đơn khi trả lại hàng mua, dẫn đến việc hộ kinh doanh phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN bất hợp lý.
Nếu hộ kinh doanh trả lại hàng mua không lập hóa đơn (trong khi bị quy kết là đối tượng có hóa đơn trong trường hợp này) thì bên bán (doanh nghiệp) cũng gặp khó khăn vì không được cơ quan thuế chấp nhận xử lý là hàng bán trả lại do không có hóa đơn trả lại hàng, dẫn đến khó khăn trong hạch toán kế toán và kê khai điều chỉnh giảm thuế GTGT, thuế TNDN đối với hàng bán trả lại.
Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn hợp lý để giúp cho hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh cũng như doanh nghiệp bình đẳng, thuận lợi và hợp lý.
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại Điểm 2.8 Phụ lục 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định:
“2.8. Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hóa, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ hàng hóa trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có).
Trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn, khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (sổ ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập”.
Tại Khoản 4, Điều 2 Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 do Quốc hội ban hành quy định:
“4. Sửa đổi Điều 10 như sau:
“Điều 10. Thuế đối với cá nhân kinh doanh
1. Cá nhân kinh doanh nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.
2. Doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.
Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu theo quy định của pháp luật về quản lý thuế”.
Căn cứ các quy định và hướng dẫn nêu trên, trường hợp người mua hàng hóa của tổ chức là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thì khi trả lại hàng hóa xử lý tương tự như trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn quy định tại Điểm 2.8, Phụ lục 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
Đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn thực hiện.
Theo Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Ho-kinh-doanh-tra-lai-hang-mua-xu-ly-hoa-don-the-nao/381039.vgp