Hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp

Công ty ông Phong đã thực hiện 2 lần chuyển nhượng vốn cho 2 Công ty trong hệ thống Tập đoàn Finecs, Nhật Bản (năm 2014 và năm 2015). Năm 2010, Công ty Finecs (S) mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại Ngân hàng Đông Á, Chi nhánh Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, Công ty không có nhu cầu đầu tư về Việt Nam sau khi chuyển nhượng hết vốn Dự án Nhà máy Finecs Việt Nam cho Finecs Japan.

Công ty Finecs (S) đã liên hệ đến Ngân hàng Đông Á, Chi nhánh Quận 1, TP. Hồ Chí Minh về việc đề nghị đóng tài khoản vốn đầu tư mở tại đây. Nhân viên ngân hàng Đông Á hướng dẫn Công ty liên hệ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nộp hồ sơ xin phép đóng tài khoản vốn đầu tư. Sau khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định thì Ngân hàng Đông Á mới có cơ sở hướng dẫn các thủ tục tiếp theo.

Ông Phong muốn biết, Công ty Finecs (S) sẽ chuẩn bị hồ sơ và liên hệ đến đơn vị nào của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam?

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:

Về việc mở tài khoản vốn đầu tư nước ngoài

Theo nội dung câu hỏi của ông Phong, năm 2010, Công ty Finecs (S) Pte Ltd (Công ty Finecs) mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại Ngân hàng Đông Á, Chi nhánh Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo tài liệu công dân cung cấp, Công ty Finecs được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký tài khoản góp vốn, mua cổ phần bằng đồng Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 03/2004/TT-NHNN ngày 25/5/2004 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, đề nghị ông làm rõ tên, hình thức tài khoản đã mở trước đây.

Ngày 12/3/2014, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 05/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam thay thế Thông tư số 03/2004/TT-NHNN nêu trên.

Đồng thời, Thông tư số 25/2011/TT-NHNN ngày 31/8/2011 của Ngân hàng Nhà nước đã bãi bỏ quy định thủ tục hành chính xác nhận tài khoản góp vốn, mua cổ phần bằng đồng Việt Nam mở tại ngân hàng thương mại của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, công văn xác nhận đăng ký tài khoản góp vốn, mua cổ phần bằng đồng Việt Nam số 8021/NHNN-QLNH ngày 21/10/2010 của Ngân hàng Nhà nước không còn hiệu lực.

Về quản lý ngoại hối

Hiện nay, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 19/2014/TT-NHNN ngày 11/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-NHNN nêu trên.

Do vậy, đề nghị Công ty xác định rõ hình thức đầu tư của Công ty Finecs để đảm bảo tuân thủ đúng quy định hiện hành về quản lý ngoại hối có liên quan khi thực hiện hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Về việc mở và đóng tài khoản

Căn cứ các quy định tại khoản 22, Điều 4 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010; khoản 5, Điều 3 Thông tư số 19/2014/TT-NHNN và khoản 4, Điều 3 Thông tư số 05/2014/TT-NHNN, tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và tài khoản vốn đầu tư gián tiếp là tài khoản thanh toán.

Hiện nay, việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của NHNN (Thông tư 23). Khoản 3 Điều 1 Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định: “Việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam của người cư trú, người không cư trú và người cư trú là cá nhân nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định tại Thông tư này”.

Như đã đề cập ở trên, tài khoản vốn đầu tư trực tiếp và tài khoản vốn đầu tư gián tiếp là tài khoản thanh toán; do vậy, thủ tục mở, đóng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, tài khoản vốn đầu tư gián tiếp được thực hiện theo quy định hiện hành tại Thông tư 23/2014/TT-NHNN.

Chinhphu.vn