Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT |
Bà Nguyệt hỏi, khi đi khám chữa bệnh, phẫu thuật tại cơ sở y tế bà cần hoàn thiện các giấy tờ gì để sau này có thể thanh toán lại chi phí khám chữa bệnh nếu đơn vị nộp tiền BHXH.
BHXH Đà Nẵng trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Luật BHYT ngày 14/1/2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật BHYT ngày 13/6/2014 quy định về phương thức đóng: “Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng BHYT cho người lao động và trích tiền đóng BHYT từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ BHYT”. Căn cứ quy định này, đến ngày cuối tháng nếu đơn vị sử dụng lao động không thực hiện đóng BHYT cho người lao động, BHXH thành phố sẽ áp dụng Khoản 3 Điều 49 Luật này:
“3. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:
a) Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ bảo hiểm y tế;
b) Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT”.
Như vậy, trường hợp đơn vị không đóng hoặc đóng không đầy đủ tiền BHYT theo quy định, cơ quan BHXH sẽ không cấp thẻ BHYT hoặc giảm giá trị sử dụng thẻ BHYT của tháng tiếp theo; đồng thời, đơn vị phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động được quy định ở điểm b khoản 3 Điều 49 Luật BHYT nêu trên.
Trường hợp của bà Nguyệt, tốt nhất để đảm bảo quyền lợi BHYT bạn nên có ý kiến với chủ doanh nghiệp phải đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT để bạn được gia hạn sử dụng thẻ BHYT và khi đi khám chữa bệnh được hưởng quyền lợi BHYT trực tiếp tại bệnh viện. Trường hợp không có thẻ BHYT (thẻ không còn hạn sử dụng) bà sẽ phải thanh toán toàn bộ chi phí phát sinh trong đợt điều trị và lấy hóa đơn thanh toán lại với chủ sử dụng lao động (Doanh nghiệp) theo Điểm b Khoản 3 Điều 49 Luật BHYT.
Bà sẽ không được thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH nếu trường hợp của bà không nằm trong các điều kiện được thanh toán trực tiếp theo Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ.
Theo Chinhphu.vn
http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Thanh-toan-lai-chi-phi-dieu-tri-voi-chu-doanh-nghiep/379573.vgp