Luật BHXH không hồi tố các trường hợp trước thời điểm có hiệu lực

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri tỉnh Yên Bái như sau:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 139 của Luật BHXH năm 2006 và khoản 2 Điều 123 của Luật BHXH năm 2014 thì người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiền tuất hằng tháng và người bị đình chỉ hưởng BHXH do vi phạm pháp luật trước ngày những Luật này có hiệu lực thì vẫn thực hiện theo các quy định trước đây và được điều chỉnh mức hưởng theo quy định của pháp luật.

Với quy định nêu trên, hiện nay trong chính sách BHXH đang tồn tại đồng thời 2 mức trợ cấp tuất hàng tháng là 40% và 50% mức lương cơ sở tùy thuộc vào thời điểm thân nhân người lao động bắt đầu hưởng trợ cấp tuất hàng tháng trước hoặc sau ngày 1/1/2007 (ngày Luật BHXH năm 2006 có hiệu lực thi hành).

Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội thấy rằng, một trong những hạn chế khi thực hiện cải cách chính sách hiện nay là rất khó để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các đối tượng trước và sau khi chính sách mới được ban hành.

Trong chính sách BHXH theo quy định của Luật BHXH năm 2006, năm 2014 nhiều chế độ đã được hoàn thiện và góp phần tăng thêm quyền lợi của người lao động và thân nhân người lao động khi thụ hưởng chính sách (như ở chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, chế độ hưu trí, chế độ tử tuất,… chính sách mới có lợi hơn cho các đối tượng thụ hưởng), cũng có những nội dung tăng trách nhiệm đóng góp, điều chỉnh công thức tính hưởng nhằm đảm bảo hơn nguyên tắc đóng, hưởng, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người thụ hưởng. Chính vì vậy, Luật BHXH năm 2006, năm 2014 cũng không đặt vấn đề hồi tố đối với những người đang hưởng chính sách trước thời điểm luật có hiệu lực thi hành.

Chính sách BHXH nói riêng và các chính sách xã hội nói chung đều có tính thời điểm, việc đặt vấn đề hồi tố sẽ rất phức tạp, làm nảy sinh bất hợp lý mới đối với những người thụ hưởng trong cùng thời kỳ.

Chinhphu.vn