Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi đình công bất hợp pháp

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII, cử tri tỉnh Bắc Ninh đề nghị bổ sung vào điểm 1 Điều 233 của Bộ luật Lao động nội dung: "Trong trường hợp đình công bất hợp pháp mà gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và cả người tham gia đình công bất hợp pháp cũng phải bồi thường cùng với công đoàn".

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri tỉnh Bắc Ninh như sau:

Theo Điều 210 Bộ luật Lao động thì đình công phải do Ban chấp hành công đoàn tổ chức và lãnh đạo. Theo Điều 233 Bộ luật Lao động: “Khi đã có quyết định của Toà án về cuộc đình công là bất hợp pháp mà người lao động không ngừng đình công, không trở lại làm việc, thì tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Trong trường hợp cuộc đình công là bất hợp pháp mà gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức công đoàn lãnh đạo đình công phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012, Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Đối chiếu với các quy định nêu trên thì quy định tại Điều 233 Bộ luật Lao động là phù hợp, phản ánh đúng vai trò đại diện của tổ chức công đoàn và trách nhiệm vật chất mà tổ chức công đoàn phải thực hiện (bao gồm nguồn tài chính từ đóng góp của các đoàn viên công đoàn) đối với trường hợp lãnh đạo đình công bất hợp pháp gây thiệt hại cho người sử dụng lao động.

Chinhphu.vn