Đồng thời, cử tri lo ngại doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn hỗ trợ thu mua lúa, gạo không đúng mục đích, vì có trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia thu mua lúa. Do vậy, cử tri đề nghị, cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua của các doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời cử tri tỉnh An Giang như sau:
Theo Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo thì việc mua tạm trữ lúa, gạo không thực hiện thường xuyên và chỉ là giải pháp can thiệp vào thị trường khi giá lúa hàng hóa trên thị trường thấp hơn giá định hướng. Đây không phải chính sách bao tiêu sản phẩm hay hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà là biện pháp kích cầu, thông qua đó để ngăn chặn sự suy giảm và duy trì ổn định giá lúa, gạo trên thị trường, góp phần gián tiếp hỗ trợ người trồng lúa.
Thời điểm mua tạm trữ chỉ phụ thuộc vào thị trường (khi giá lúa gạo thấp hơn giá định hướng) và do Thủ tướng Chính phủ quyết định căn cứ theo tình hình thực tế, việc điều hành cũng phải linh hoạt để bảo đảm đạt được mục tiêu khi tạm trữ.
Thực tế các đợt tạm trữ vừa qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giá lúa, gạo trên thị trường đều tăng lên so với trước thời điểm mua tạm trữ, qua đó đã nâng cao lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.
Nhà nước giữ “giá định hướng”
Theo quy định của pháp luật về giá, Chính phủ không quy định mức giá cụ thể, giá sàn, giá trần đối với sản phẩm lúa (thóc) do nông dân sản xuất; giá lúa, gạo thực hiện theo cơ chế thị trường và chịu sự chi phối của quan hệ cung cầu, do người mua, người bán thỏa thuận. Điều này phù hợp và bảo đảm việc thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên Nhà nước vẫn giữ “giá định hướng” không để cho giá thóc, gạo trên thị trường giảm dưới giá định hướng nhằm bảo đảm cho người nông dân có được mức thu lợi nhuận tối thiểu.
Mặt khác, khi cần thiết, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá, có thể sử dụng biện pháp hỗ trợ về điều hòa cung cầu, bình ổn giá đầu vào, khuyến nông, thuế, phí... nhằm góp phần giúp người nông dân giảm giá thành sản xuất, tăng mức lợi nhuận, bảo đảm ổn định và tái sản xuất.
Tăng cường kiểm tra, giám sát DN thu mua tạm trữ lúa, gạo
Trong các đợt tạm trữ vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành xây dựng và ban hành Quy chế Kiểm tra, giám sát, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương trong việc giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp trong quá trình thu mua tạm trữ về điều kiện của doanh nghiệp, việc cho vay và giải ngân của ngân hàng, việc thanh quyết toán hỗ trợ lãi suất cho vay của các doanh nghiệp, đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra và có định hướng với xuất khẩu gạo để đạt hiệu quả cao nhất.
Qua kiểm tra, giám sát của các địa phương và Đoàn kiểm tra liên ngành chưa phát hiện thấy doanh nghiệp nào vi phạm các quy định của Thủ tướng Chính phủ trong các đợt mua tạm trữ vừa qua.
Các đoàn kiểm tra, giám sát của các địa phương và đoàn kiểm tra liên ngành đều có báo cáo cụ thể và đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những vấn đề bất cập để chính sách thu mua tạm trữ ngày càng có hiệu quả hơn.
Về ý kiến cử tri lo ngại doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn hỗ trợ này không đúng mục đích (doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia thu mua lúa), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ lưu ý các Đoàn kiểm tra liên ngành và UBND các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (Đoàn liên ngành của tỉnh) tăng cường việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp khi mua tạm trữ.