Có giám định lại khả năng lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu?

 

Biên bản giám định y khoa có giá trị đến khi có biên bản giám định liền kề sau đó với cùng nội dung và mục đích giám hộ

Ông Khoa hỏi, tháng 1/2021, ông được 55 tuổi thì có phải giám định y khoa lại không? Ông cần đến cơ quan nào để làm thủ tục về hưu trước tuổi với suy giảm lao động 65% sức lao động?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Theo thông tin ông Khoa trình bày, ông sinh ngày 5/1/1966, là thợ sửa chữa cơ khí bậc 7/7, có thời gian tham gia BHXH từ tháng 4/1986 đến tháng 5/2009 (23 năm 2 tháng) tại tỉnh Đồng Nai. Năm 2017, ông đã đi giám định y khoa và được Hội đồng giám định y khoa kết luận bị suy giảm khả năng lao động với tỷ lệ 65%.

Hiện tại, ông chưa đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 55 Luật BHXH năm 2014.

Tại Điều 14 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn, vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế quy định: Biên bản giám định y khoa có giá trị đến khi có biên bản giám định liền kề sau đó với cùng nội dung và mục đích giám hộ.

Do đó, khi ông đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động, ông không cần phải thực hiện giám định lại mức suy giảm khả năng lao động (trừ trường hợp ông tự đi giám định và có kết quả giám định lần sau khác lần trước). Khi ông đủ điều kiện về tuổi đời, xin mời ông đến cơ quan BHXH để được hướng dẫn cụ thể về thủ tục hồ sơ.

Theo Chinhphu.vn