Ngành mía đường vẫn chưa hết lo

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng diện tích mía vụ 2014 - 2015 giảm gần 5% so với vụ 2013 - 2014. Hiện nay, vụ mía mới 2015 – 2016 đã bắt đầu, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích 41.880 ha, giảm 6.000 ha so với vụ 2014 - 2015. Sản lượng mía năm nay ước giảm 20% so với năm trước.

Sản lượng đường tồn kho cũng giảm mạnh khoảng 50% so với 2015, đẩy giá đường (trước khi vào vụ mới) tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Thuận lợi trước mắt của ngành mía đường là được giá và giảm mạnh tồn kho, nhưng về lâu dài vẫn đối mặt với khó khăn do thiếu sức cạnh tranh với đường nhập khẩu từ Thái Lan, Lào…

Giá mía nguyên liệu cao, diện tích trồng mía sụt giảm là những khó khăn cho đường trong nước 

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, từ đầu năm nay, Hiệp hội Đường thế giới đã dự báo, sản lượng đường trong niên vụ 2015 – 2016 sẽ thiếu hụt khoảng 3,53 triệu tấn. Nguyên nhân một mặt do ảnh hưởng thời tiết của hiện tượng El Nino khiến các quốc gia sản xuất đường lớn trên thế giới như Úc, Thái Lan, Ấn Độ và Brazil giảm sản lượng.

Mặt khác, các thị trường nhập khẩu đường lớn như Trung Quốc, Indonesia, Trung Đông vẫn tiếp tục tăng nhu cầu. Hiện tại, giá đường trên thị trường thế giới đã thoát đáy, giá đường thô tăng nhẹ và 2016 sẽ là một năm đầy triển vọng đối với ngành đường thế giới.

Trong nước, niên vụ 2015 - 2016 dự kiến có 41 nhà máy đường hoạt động, diện tích mía các nhà máy ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm là 257.546 ha, sản lượng ép là 15,76 triệu tấn, sản lượng đường dự kiến đạt 1,56 triệu tấn. Tổng nguồn cung đường dự kiến đạt khoảng 1.735.000 tấn (bao gồm sản xuất 1,5 triệu tấn, tồn kho 100.000 tấn, nhập khẩu 135.000 tấn), và tổng lượng tiêu thụ trong nước khoảng 1,5 triệu tấn.

Tại thị trường tiêu thụ nội địa, tuy đã giảm sức ép cạnh tranh từ đường nhập lậu, nhưng DN ngành mía đường vẫn chưa thoát khỏi cái khó từ giá mía nguyên liệu cao, nhất là vào những niên vụ diện tích trồng mía sụt giảm như năm nay.

Việc thu mua mía nguyên liệu còn bất cập, bởi DN sản xuất chỉ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm các hộ sản xuất có diện tích lớn, còn lại hộ sản xuất nhỏ lẻ cũng vẫn phải chịu bị ép giá, khiến người trồng mía không mặn mà, bỏ ruộng, mía nguyên liệu đã thiếu lại càng thiếu, khiến giá đầu vào sản xuất bất ổn.

Đối với đường thành phẩm, quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ hiện chưa được các DN quan tâm đúng mức. DN chủ yếu có ký kết hợp đồng với các hộ tiêu thụ lớn (các DN sản xuất, chế biến thực phẩm, bánh kẹo), còn lại đều phụ thuộc vào sức mua của thị trường… Điều này tạo khoảng trống trong kênh phân phối, khiến đường nhập lậu có điều kiện tung hoành, bán phá giá.

Một thực trạng khiến DN ngành mía đường đau đầu hiện nay là đường nhập khẩu từ Thái Lan, Lào đang tràn vào Việt Nam với chất lượng tốt, giá rẻ. Nếu trước đây, đường Thái Lan từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam nhiều, đủ sức gây tác động tới giá đường trong nước, thì nay những nhà sản xuất đường Thái Lan chính thức xem Việt Nam là thị trường tiêu thụ lớn đầy tiềm năng.

Theo ông Nguyễn Hải, trên thị trường tiêu thụ, đường của các nhà máy nội địa sản xuất chịu sức ép cạnh tranh từ nhiều phía. Đường RS của Thái Lan giá rẻ hơn đường nội, có sức tiêu thụ tốt hơn. Thậm chí nhiều DN sản xuất bánh kẹo, thực phẩm chê đường nội không đủ chất lượng để sản xuất hàng cao cấp.

Thực tế cũng cho thấy, chất lượng đường RS của các nhà máy đường trong nước dù được cải thiện đáng kể, tăng được lượng tiêu thụ nội địa, nhưng chất lượng vẫn chưa bằng đường cùng loại của Thái Lan.       

Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Nhà máy đường Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) cho rằng, trong tương lai rất gần đây (từ năm 2018), thuế suất nhập khẩu đường từ các nước ASEAN giảm xuống còn 5%, đường và sản phẩm sau đường của các nước khối ASEAN và Thái Lan sẽ tràn vào, gây khó khăn cho ngành đường Việt Nam ngay sân nhà.

Vì vậy, muốn cạnh tranh thì DN trong nước phải nâng chất lượng sản phẩm. Nhà máy đường Phụng Hiệp cũng vừa đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện 350 tấn/ngày, với tổng vốn đầu tư lên đến 140 tỷ đồng và tung ra sản phẩm mới là đường tinh luyện nhãn hiệu Hoa Mai từ đầu năm 2016. Việc làm này là rất kịp thời và đúng lúc.

Bởi ở thị trường nội địa, hiện đa số các công ty chỉ sản xuất đường RS, và chất lượng không ổn định, giảm nhanh trong quá trình bảo quản, đặc biệt ít được sử dụng trong các ngành công nghiệp và chế biến thực phẩm. Hơn nữa, thực tế sản lượng đường tinh luyện sản xuất trong nước không đủ cung cho ngành công nghiệp thực phẩm.

Đây cũng là xu hướng tất yếu mà DN ngành mía đường trong nước hướng tới, để không bất lợi và yếu thế khi hội nhập vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Thanh Trà (Thời báo Ngân hàng)