Việt Nam - Nhật Bản hợp tác nâng tầm phát triển ngành cao su

nganh cao su
Toàn cảnh Hội thảo.

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực cao su tại thị trường Việt Nam do Hiệp hội Cao su Việt Nam và Hiệp hội cao su Nhựa thành phố Hồ Chí Minh phối hợp công ty Showa Rubber Việt Nam (thuộc Tập đoàn Showa Holdings Nhật Bản) tổ chức vừa qua.

Hội thảo thu hút sự quan tâm tham dự của các lãnh đạo ngành, hiệp hội cao su và gần 100 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cao su tại thị trường Việt Nam.

Là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GDP của quốc gia, ngành cao su đang đứng trước nhiều cơ hội lớn đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được Chính phủ tích cực đàm phán với các nước.

Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, ngành cao su sẽ được hưởng lợi lớn từ Hiệp định với khối 12 nước Châu Á - Thái Bình dương (TPP). Khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP thì lợi thế trước tiên là xóa bỏ mức thuế hiện tại từ 3,5 - 57,4% để hưởng ưu đãi các dòng sản phẩm cao su về mức 0%, từ đó giúp DN ngành cao su nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây không chỉ được coi là cú huých mà còn là là cơ hội "vàng" cho ngành cao su phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, hiện nay khó khăn lớn của ngành cao su là chất lượng sản phẩm chưa ổn định, chưa đồng đều và thương hiệu cao su Việt Nam chưa được xác lập. Chỉ một số doanh nghiệp lớn có uy tín về chất lượng và có thương hiệu riêng, còn thương hiệu ngành cao su Việt Nam vẫn chưa được định vị vững chắc đối với người tiêu thụ trên thị trường thế giới kể cả trong nước.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp cao su Việt Nam đã được tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm với tập đoàn cao su hàng đầu Nhật Bản Showa Holdings trong việc cải tiến công nghệ, cũng như đề ra các hướng hợp tác phát triển trong tương lai như gia công sản xuất cho Nhật Bản tại thị trường Việt Nam, hay Showa Holdings sẽ trở thành đại lý phân phối các sản phẩm của Việt Nam tại Nhật và nhiều nước khác trên thế giới. Đây sẽ là một bước tiến mới, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành cao su Việt Nam trong tương lai.

Đồng thời, doanh nghiệp được gặp gỡ, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn nội tại, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, sản xuất và kinh doanh trên các lĩnh vực cao su như thi công bọc cao su và các sản phẩm cao su dân dụng, kỹ thuật và y tế.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Nhựa TP Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Anh chia sẻ: Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã có nhiều chủ trương thúc đẩy công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, TP.HCM cũng đưa ngành cao su là một ngành trong 4 ngành trọng điểm hỗ trợ phát triển.

Tuy nhiên, muốn có công nghiệp phụ trợ thì phải có các doanh nghiệp đầu tầu lớn và ngược lại, công nghiệp phụ trợ kém phát triển dẫn đến các nhà đầu tư do dự khi đầu tư tại Việt Nam. Thêm vào đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam hiện nay còn hạn chế thông tin về khách hàng, thiếu công nghệ, và thiếu hệ thống quản lý chất lượng ổn định.

"Hội thảo đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các DN trong lĩnh vực cao su có thêm thông tin, kinh nghiệm cũng như cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất, tăng đơn hàng và phát triển xuất khẩu. Hợp tác với Nhật Bản để gia công các sản phẩm truyền thống cũng như hợp tác phát triển các sản phẩm mới sẽ là một bước tiến mới, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành cao su Việt Nam trong tương lai", ông Anh nhấn mạnh./.

Tố Uyên (Thời báo tài chính Việt nam)