Tập đoàn Sơn KOVA: Để công nghệ nâng bước chân hội nhập

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe (ngoài cùng bên trái) Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn KOVA cùng đồng nghiệp tại phòng nghiên cứu, kiểm định sản phẩm.

Con đường đã rõ

 

Với những nỗ lực của mình, trong những năm qua, Tập đoàn Sơn KOVA liên tục đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, danh hiệu Thương hiệu mạnh Việt Nam, hơn 20 huy chương Vàng tại các kỳ hội chợ quốc tế EXPO cùng nhiều bằng khen, giải thưởng do Chính Phủ trao tặng. Bên cạnh đó, với chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sơn KOVA đã nhận được Cúp vàng Topten ngành Vật liệu xây dựng, Cúp vàng ISO 9001:2000 và 9001:2008.

 
Nhiều báo cáo cho thấy, một số DN Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến hội nhập và chưa nhiều DN có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thích ứng. Trong khi, hội nhập không chỉ có thách thức ở việc hàng hóa nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam mà còn là con đường như thế nào để DN nội địa đủ sức vươn ra “biển lớn”. Câu chuyện của KOVA gần 10 năm về trước là như vậy, khi KOVA bắt đầu tạo dựng được thành công tại thị trường trong nước, có mặt trên mọi công trình từ Bắc vào Nam, KOVA đã định hướng đưa các sản phẩm của mình ra nước ngoài.

Nhớ lại thời điểm đó, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn KOVA cho hay, để một DN phát triển, không thể cứ loanh quanh ở thị trường trong nước, sản phẩm mình hay, chất lượng cao thì phải cạnh tranh được không chỉ trên sân nhà, mà phải sống được trên “sân khách”. “Lúc đó, tôi đã chọn ngay thị trường khó nhất khu vực là Singapore để mở màn cho chiến lược này. Sau những ngày tháng khó khăn đi mở thị trường, nhờ những bước đi đúng, đến nay Singapore đã trở thành thị trường lớn thứ 2 của KOVA, chỉ sau Việt Nam”, bà Hòe nói.

Đặc biệt, trong chiến lược hội nhập chung của KOVA, việc mở rộng sang Singapore đã tạo đà, là bước đệm lớn và thuận lợi để KOVA bắt kịp với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đi vào hoạt động, cũng như vào được những thị trường lớn hơn theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác.

Với những FTA mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết, hàng hóa dù ở lĩnh vực nào cũng có sự giao thương thuận tiện hơn khi phá bỏ các hàng rào thuế quan. Chính vì thế, trong năm 2016, để tận dụng cơ hội từ FTA với các nước EU (EVFTA), FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu hay Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), KOVA đã có chiến lược vươn xa hơn nữa đến nhiều thị trường lớn như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông và châu Âu.

Năm 2016 sẽ đánh dấu những bước phát triển mới của KOVA khi cùng với việc mở rộng thị trường, phát triển công nghệ, KOVA còn mở rộng sản xuất không chỉ trong nước mà vươn ra quốc tế. Ngoài nhà máy ở Malaysia và các nhà máy hiện có tại Việt Nam, KOVA đang sớm hoàn thiện xây dựng và đưa vào sử dụng một nhà máy hiện đại đặt tại Nhơn Trạch- Đồng Nai có công suất 40 triệu lít/năm, chuyên sản xuất các dòng sơn Nano từ vỏ trấu, nâng tổng công suất lên 60 triệu lít/năm. Hiện tăng trưởng bình quân hàng năm của KOVA đều không dưới 20%.

Tất nhiên, trong mỗi thời điểm của hội nhập, các DN đều phải gặp khó khăn, với những con người tại KOVA, cái chính và quan trọng nhất là dám nghĩ dám làm, nếu không, KOVA đâu thể “mang chuông đi đánh xứ người”, cạnh tranh với những thương hiệu “sừng sỏ” trên thế giới. Theo quan điểm của người đứng đầu Tập đoàn Sơn KOVA: “Hàng Việt Nam cũng có rất nhiều sản phẩm chất lượng cao, không thua kém hàng ngoại nhập, thế nhưng, tâm lý lo ngại, chưa tự tin, chưa mạnh dạn đầu tư vào công nghệ là một trong những hạn chế. Ngoài ra, thương hiệu chung về hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế vẫn còn khá yếu. Vì thế, DN Việt Nam phải tìm cách để khi nghe đến hàng Việt, người tiêu dùng quốc tế phải nghĩ ngay đó là hàng chất lượng cao, công nghệ cao, như những điều mà người Hàn Quốc hay Nhật Bản đã làm được. Làm được điều này, các DN Việt sẽ được tiếp sức nhiều hơn trong hội nhập”.

Các sản phẩm sơn KOVA đã được XK ra nhiều nước trên thế giới

Vững bước, vững lòng

Ngoài kinh nghiệm chinh phục thị trường quốc tế, công nghệ cũng là lợi thế lớn nhất của KOVA. Có một điều “lạ” ở Tập đoàn chuyên ngành sơn này, kết quả đạt được trong quá trình hội nhập, thích nghi với hội nhập không tính bằng chuyện bán được bao nhiêu triệu lít sơn, xây được bao nhiêu nhà máy, có mặt tại những quốc gia, châu lục nào hay doanh thu, sản lượng bao nhiêu… mà là công nghệ.

Nhiều nơi trên thế giới, khi nghe giới thiệu về các công nghệ mà KOVA đã nghiên cứu thành công, nhất là công nghệ Nano từ vỏ trấu, với các loại sơn độc đáo như: Sơn tự làm sạch, sơn kháng khuẩn, sơn chống cháy và đặc biệt nhất là sơn chống đạn, điều này đã khiến hầu như đối tác hay các nhà khoa học đều bày tỏ sự ngạc nhiên về thành quả nghiên cứu của KOVA. Đặc biệt, trong tình hình cháy nổ đang diễn ra phức tạp, sơn chống cháy Nano KOVA thời gian gần đây đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ nhiều đơn vị, DN. PGS.TS Nguyễn Thị Hòe tự hào nói: “Đó không chỉ là thành công của riêng KOVA, mà chúng tôi có cảm giác như đang mang công nghệ Việt Nam, mang niềm tự hào Việt Nam ra thế giới. Cảm giác đó rất đặc biệt và khó tả”.

“Công nghệ là chìa khóa, cũng là thế mạnh để cạnh tranh cũng như để tồn tại, điều này đúng với bất cứ một thương hiệu nào, không chỉ với KOVA hay chỉ trong ngành sơn. Vì thế, hàng năm, chúng tôi đều dành khoảng 1/5 lợi nhuận cho việc nghiên cứu các công nghệ mới, mỗi năm đều cho ra đời đều đặn những sản phẩm mới, tiên tiến hơn trước. Do đó, KOVA sở hữu rất nhiều sáng chế và sẽ vẫn không bao giờ ngừng lại việc nghiên cứu. Và đây cũng là chiến lược “bất di bất dịch” từ ngày thành lập cho đến bây giờ và chặng đường sau này của KOVA”, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe khẳng định.

Đặc biệt, trong hội nhập, thuận lợi từ việc xóa hàng rào thuế quan lại khiến các nước thắt chặt hơn hàng rào phi thuế quan, đặt ra nhiều yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Trong đó, sơn là lĩnh vực đòi hỏi phải dùng nhiều hóa chất, cũng như phải có công nghệ xử lý để tránh những độc hại cho người tiêu dùng. Nhưng với KOVA, những khó khăn này đã được chuẩn bị sẵn và dự đoán trước khi luôn có những nghiên cứu để cải tiến sản xuất với công nghệ hiện đại, đảm bảo. Điều đặc biệt, 100% sản phẩm của KOVA là hệ nước, thân thiện với môi trường và rất an toàn với người sử dụng.

Dụng ý của KOVA khi thâm nhập vào thị trường Singapore không chỉ là việc phát triển kinh doanh mà còn để thích ứng với những tiêu chuẩn khắt khe của quốc đảo này. Vì khi nghe nói đến sản phẩm KOVA được cấp nhãn Green Label, sản phẩm đạt tiêu chuẩn và được sử dụng tại hàng loạt các công trình biểu tượng tại Singapore như tàu điện ngầm MRT, Vivo City, bệnh viện Ng Teng Fong, nhiều đối tác ở châu Âu, châu Mỹ… cũng rất bất ngờ trước khả năng của một hãng sơn “Made in Vietnam” như KOVA, và những thành công của KOVA tại Singapore cũng là cơ sở vững chắc để khiến những đối tác này tin tưởng hợp tác.

Chính vì có những kinh nghiệm khi thâm nhập thị trường và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của Singapore, hiện tại KOVA cũng đang trong quá trình đăng ký các tiêu chuẩn của Mỹ, châu Âu để chuẩn bị cho việc chính thức gia nhập vào các thị trường này. Đây cũng là những thị trường khó tính, nhưng với bản lĩnh của một DN dám đương đầu với thử thách, việc chinh phục sẽ là điều sớm hay muộn.

Có thể thấy, để có chiến lược phát triển và thích nghi mạnh mẽ với hội nhập, DN không chỉ cần đến tiềm lực về kinh tế mà cần đến tư duy lãnh đạo, người lãnh đạo phải xác định đúng phương hướng, đường lối để đưa “con thuyền” DN tiến lên. Trong quá trình hội nhập của KOVA, hai vấn đề này đã được giải quyết một cách hài hòa, để quá trình hội nhập mà Việt Nam đang xây dựng xứng đáng trở thành cơ hội thuận lợi nhất cho DN phát triển. Vì thế, quá trình này cần đến nhiều “KOVA” hơn nữa để DN Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung “cất cánh” vươn ra biển lớn.  

 
 Hương dịu(Báo Hải quan)