Cụ thể, Công ty phải nộp bổ sung thuế nhập khẩu trên 10,1 tỉ, tiền phạt vi phạm là trên 2 tỉ và tiền chậm nộp là 3,9 tỉ đồng.
Công ty này cho biết, từ tháng 4/2013 đến tháng 6/2014, công ty đã tạm nhập các xà lan để thi công xây dựng khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Các thiết bị này được Chi cục Kiểm tra sau thông quan Hà Tĩnh thông báo là không được miễn thuế theo công văn 7820/VPCP-KTTH năm 2010 của Văn phòng Chính phủ, và công văn 1599/TTC-TCHQ năm 2011 của Bộ Tài chính do đây là các phương tiện vận chuyển có mục đích chính là vận chuyển máy móc thiết bị.
Tuy nhiên, Samsung C&T khẳng định, các xà lan trên không có động cơ và được sử dụng làm điểm tựa cho máy móc, thiết bị hoạt động trên biển.
“Các xà lan này có mục đích vận chuyển hàng hóa, vật tư, máy móc thiết bị từ bờ ra vị trí thi công ngoài biển cho dự án Formosa, và sẽ được "tái xuất" sau khi hết thời gian thi công công trình”, văn bản của Samsung C&T nêu.
Đây là thiết bị chuyên dụng không thể thiếu nên Samsung C&T đã căn cứ vào bản chất và mục đích sử dụng để không nộp thuế. Do đó, Samsung C&T đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại việc yêu cầu nộp bổ sung và xử phạt kể trên với tinh thần hỗ trợ nhà đầu tư cũng như nhà thầu nhanh chóng bàn giao, đưa dự án vào hoạt động...
Đây không phải là lần đầu tiên có những khác biệt trong quan điểm của cơ quan Hải quan với doanh nghiệp về việc truy thu thuế. Gần nhất, hồi tháng 12/2015, 8 doanh nghiệp sữa cũng đã gửi công văn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, sau khi Tổng cục Hải quan có quyết định truy thu thuế nhập khẩu với một mặt hàng nguyên liệu sữa, với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Sau đó, Bộ Tài chính đã quyết định không “hồi tố” để truy thu thuế đối với các lô hàng đã nhập khẩu từ trước, đồng thời sửa đổi mức thuế với mặt hàng nguyên liệu trên cho phù hợp hơn.
Thanh Hằng (Cạnh tranh quốc gia)