Không có quy định giảm lãi, khoanh nợ với đơn vị chậm đóng BHXH |
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trả lời như sau:
Căn cứ Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, Điều 15 Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13, Điều 44 Luật Việc làm số 38/2013/QH13, Điều 41, 44 Luật An toàn vệ sinh lao động số 84/2015/QH13: Hàng tháng, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, trích từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Trường hợp chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên phải chịu tiền lãi chậm đóng theo quy định tại Điều 6 Khoản 3 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 21/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, đối chiếu các quy định hiện hành, chưa có quy định về việc giảm lãi, khoanh nợ đối với các đơn vị chậm đóng BHXH. Việc chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp vi phạm Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (mức xử phạt: Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính; biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng; buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng).
Đồng thời, tại Điều 214, 216 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định về việc phạt tiền, phạt tù đối với tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Theo Chinhphu.vn