Hoạt động từ thiện của DN: Nên đầu tư vào các chương trình dài hạn

Ảnh minh họa

Những hình ảnh các em bé co ro trong giá rét đã làm lay động nhiều người và nhóm thiện nguyện, rất nhiều áo quần ấm và tiền liên tục được chuyển lên ủng hộ cho bà con vùng cao. Nhưng trong Chương trình “Chuyện tối nay của VTC14”, TS. Đặng Hoàng Giang - Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng và nghiên cứu phát triển (CECODES) lại nhắc rằng đừng làm từ thiện kiểu thương hại, mà phải có cách hiệu quả hơn.

Ông Giang nói “cần phải bỏ thời gian công sức và cả chất xám xem người dân nơi đó cần gì, cần đường, cần trường, trạm xá, hay trường học hay cần có nghề để mưu sinh…”.  Ông gợi ý, sẽ tốt hơn, nếu liên kết với những tổ chức xã hội, bám rễ tại cộng đồng, họ hiểu tình hình địa phương đó, hiểu cộng đồng đó để hỗ trợ theo đúng những gì mà người dân cần.

Ông Nguyễn Diễn – Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng đã nói rằng, xã hội và DN hiện nay coi từ thiện là việc “cho đi”, không liên quan đến kinh doanh. Một số người lại hiểu lầm rằng, việc thiện nguyện mà gắn với mục tiêu kinh doanh thì không còn là thiện nguyện. Một số DN rất muốn hỗ trợ nhưng quy mô nhỏ, tài chính eo hẹp nên không biết tham gia thế nào.

Vậy, phải làm sao từ thiện hiệu quả, thế nào là thiện nguyện mà gắn với mục tiêu kinh doanh? Nếu DN nhỏ, vốn ít, làm ăn chưa khấm khá, có làm từ thiện được không?

Câu trả lời là có, ngay cả khi không có nguồn tài chính dồi dào, nhưng nếu có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, gắn với những lĩnh vực hay mục tiêu sản xuất kinh doanh của DN và hợp tác với các tổ chức khác thì bất cứ DN với quy mô nào cũng có thể tham gia. Đây chính là thông điệp của Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED).

Hơn hai năm nay, với sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á (TAF) và Sứ quán Ai-Len, CED đã giúp các DN thay đổi quan điểm về cách làm từ thiện, thay vì chỉ tập trung hỗ trợ khẩn cấp, DN nên đầu tư vào các chương trình dài hạn để có thể giải quyết tận gốc vấn đề xã hội nào đó.

Các hoạt động từ thiện cần gắn với các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi của DN và có thể chia thành ba loại: chương trình hỗ trợ khẩn cấp, các chương trình chiến lược và các chương trình đóng vai trò như tác nhân mang lại sự thay đổi.

Theo CED, một DN hiện đang hỗ trợ hoạt động từ thiện truyền thống là cứu trợ thiên tai, có thể chuyển hướng hỗ trợ những chương trình dài hạn hơn, giúp cộng đồng có khả năng phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.

Nếu DN có những dịch vụ, sản phẩm hay công nghệ liên quan, có thể hỗ trợ những dự án hay chương trình lớn hơn nhằm tăng khả năng phòng ngừa, ứng phó (áp dụng công nghệ trong cảnh báo sớm, áp dụng công nghệ trong ứng phó và tăng cường hiệu quả cứu trợ…).

Một DN có chương trình từ thiện tập hợp được các thế mạnh của mình, sử dụng đa dạng nguồn lực thì có thể tạo ra giá trị to lớn cho xã hội và về lâu dài, mang lại lợi ích cho chính DN.

“Hợp tác chiến lược trong hỗ trợ từ thiện, hỗ trợ cộng đồng” là cẩm nang dành cho DN mà CED xây dựng. Theo cẩm nang, một trong những yếu tố giúp các chương trình từ thiện của DN đạt hiệu quả và thành công, là cần tìm hiểu các vấn đề và thách thức mà cộng đồng đang phải đối mặt, xác định lý do tại sao lại hỗ trợ và xây dựng chương trình phù hợp với hoạt động của DN. Sau đó thiết kế các chương trình hợp tác nhằm đáp ứng nhu cầu cộng đồng, gắn với mục tiêu sản xuất, kinh doanh của DN.

CED đã hợp tác với các hiệp hội DN tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo và hướng dẫn DN xây dựng chiến lược, chương trình và các hoạt động từ thiện, giúp cho các hoạt động từ thiện của DN trở nên chuyên nghiệp và có tác động tốt với xã hội và cộng đồng.

DN cũng nên cộng tác với các tổ chức xã hội có chuyên môn, hoặc đáng tin cậy. Hợp tác với các  tổ chức khác, DN sẽ tận dụng được nguồn lực, kỹ năng và mối quan hệ của các tổ chức và có thể đưa ra các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo để giải quyết các vấn đề về xã hội và môi trường, đồng thời mang lại lợi ích cho DN. Những chương trình từ thiện hiệu quả mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng và xã hội có thể tạo lợi thế cạnh tranh cho DN và đó là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập.

Ngọc Linh (Thời báo Ngân hàng)