Thương hiệu không còn bị xem nhẹ

Tại đêm tôn vinh “100 thương hiệu Việt bền vững” mới đây, các DN tiêu biểu, nhà quản lý đã có những chia sẻ kinh nghiệm trong việc tạo dựng phát triển thương hiệu bền vững.
Thương hiệu còn là sự cam kết
Phó Tổng Giám đốc Công ty Phúc Lộc Vũ Ngọc Toàn nhìn nhận, thương hiệu là cam kết của DN với khách hàng, với cộng đồng trong việc bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho người lao động và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước. “Trên thực tế, việc xây dựng thương hiệu bền vững là quá trình phát triển liên tục, không có điểm dừng với mỗi DN” - ông Toàn khẳng định. Theo đó, tại Công ty Phúc Lộc, vấn đề thương hiệu được HĐQT rất quan tâm, trực tiếp Chủ tịch đã xây dựng chiến lược nhất quán, phù hợp với sản xuất, kinh doanh, đưa tư duy phát triển, gắn kết với thương hiệu vào thực tiễn, không còn là khẩu hiệu chung chung…
May 10 là một trong những doanh nghiệp quan tâm xây dựng thương hiệu. 	ảnh: Thanh Hải
May 10 là một trong những doanh nghiệp quan tâm xây dựng thương hiệu. ảnh: Thanh Hải
Trong đó, yếu tố then chốt duy trì thương hiệu là phải có năng lực cạnh tranh đủ mạnh. Muốn vậy, từ các giải pháp đồng bộ trong các khâu tuyển dụng, đào tạo, hướng dẫn, đến xây dựng cơ chế chính sách, trang bị kiến thức cho người lao động mới tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, Công ty vận dụng những mô hình quản trị DN tiên tiến vào môi trường kinh doanh, tập trung ứng dụng khoa học, đầu tư hạ tầng, máy móc hiện đại... để nâng cao sức cạnh tranh.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Việt Đức Nguyễn Vinh Tuyên thẳng thắn nhìn nhận, ngành thép chịu nhiều áp lực song song với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trước xu thế hội nhập. Tuy nhiên, bên cạnh việc chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong chiến lược phát triển thương hiệu của mình, Thép Việt Đức cũng đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ giúp DN hiện đại hóa dây chuyền, nâng cao năng suất mà còn tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, góp phần giúp Việt Đức tìm kiếm được nhiều cơ hội trong quá trình hội nhập.
Tự bảo vệ mình trước làn sóng cạnh tranh
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, để làm nên thương hiệu, trước yêu cầu cạnh tranh hiện nay, vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), sở hữu trí tuệ là rất quan trọng đối với sự thành công của DN. Một DN có làm được sản phẩm có khả năng cạnh tranh và có thể xuất khẩu, đưa ra thị trường phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng từ việc đầu tư, ứng dụng KHCN tạo ra sản phẩm có thương hiệu, và phải có biện pháp bảo vệ, phát triển một cách bền vững. Do đó, ông Tùng khẳng định, khi xây dựng thương hiệu, đặc biệt là khi đưa thương hiệu ra thị trường thế giới, các DN nên quan tâm đến những nội dung trên, đồng thời quan tâm đến việc bảo vệ để có thương hiệu uy tín nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Nhận định năm 2016 là năm bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, khi ký kết các hiệp định thương mại tự do, vào Cộng đồng ASEAN… đang đặt ra cơ hội song hành thách thức với nhà quản lý và các DN trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ. Do đó, về phía các cơ quan quản lý phải tạo mọi điều kiện thông thoáng về thủ tục, tạo môi trường kinh doanh… để hỗ trợ cho DN. Còn các DN cần nghiên cứu kỹ các hiệp định, nghiên cứu kỹ về thị trường, biết liên kết tạo thành chuỗi giá trị, đầu tư công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng nhằm xây dựng được thương hiệu bền vững. “Các DN lưu ý, trong quá trình hội nhập, nếu không biết tận dụng những tuyến sản phẩm thế mạnh để xây dựng tốt thương hiệu cho mình thì sẽ thua ngay trên chính sân nhà” – ông Thiên chia sẻ.
Sự hỗ trợ của các cấp, các ngành đồng hành và ghi nhận sự nỗ lực của các DN, nhất là việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh, gợi mở cho DN  tạo ra những sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao là rất quan trọng trong tiến trình hội nhập. Tôi tin tưởng, nếu DN đi đúng hướng và biết ứng dụng KHCN sẽ xây dựng được những thương hiệu mạnh, phát triển bền vững, thành công không chỉ trong nước mà có thể vươn ra thế giới.
 Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân
Khắc Kiên (Kinh tế đô thị)