Đối thoại giữa DN và người lao động: Mới ở dạng khởi xướng về chia sẻ thông tin

Ngày 22/1, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã công bố Báo cáo khảo sát tình hình thực hiện đối thoại tại nơi làm việc. Kết quả được thực hiện tại 120 doanh nghiệp (DN) tại 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Doanh nghiệp khảo sát thuộc 8 nhóm ngành nghề (điện, điện tử, điện gia dụng; dệt may, da giày; vận tải, kho bãi; cơ khí chế tạo máy, sơn, hóa chất...) có sử dụng từ 300 lao động trở lên, thành lập trước ngày 01/01/2014 và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005.

doi thoai

 Toàn cảnh hội thảo

Khảo sát cho thấy hầu hết DN đều đã triển khai đối thoại tại nơi làm việc, trong đó có 36 DN tổ chức đối thoại định kỳ 1 tháng/lần (chiếm 30%), 62 DN tổ chức đối thoại định kỳ 3 tháng/lần (chiếm 52%), 5 DN tổ chức 6 tháng/lần (chiếm 4%) và 17 DN tổ chức 1 năm/lần (chiếm 14%). Số DN tổ chức định kỳ 1 tháng/lần chủ yếu là các doanh nghiệp tham gia chương trình Betterwork.

Các vấn đề được các DN trao đổi nhiều nhất tại các cuộc đối thoại bao gồm: tình hình sản xuất kinh doanh của DN; tiền lương, tiền thưởng; chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động và chế độ an toàn, vệ sinh lao động.

Thông qua đối thoại, hoạt động sản xuất kinh doanh của  các DN có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, tiền lương bình quân của người lao động tăng đáng kể, năm 2015 tăng 17% so với năm 2014.

Tuy nhiên, công tác đối thoại tại nơi làm việc vẫn còn nhiều hạn chế do biến động lao động lớn, nhất là ở các doanh nghiệp dệt may, có nơi tỷ lệ biến động lao động lên tới 50%.

Phía DN cũng cho rằng, một năm tiến hành 4 lần đối thoại định kỳ là nhiều, vì các DN không bố trí được thời gian hoặc không chọn được chủ đề để đối thoại.

Ý kiến người lao động mới chỉ tập trung vào việc giải quyết quyền lợi cho người lao động mà chưa quan tâm nhiều đến giải pháp nâng cao năng suất lao động, thậm chí một số DN còn nhầm lẫn giữa nội dung đối thoại và thương lượng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng văn hóa đối thoại ở các doanh nghiệp hiện nay mới đang gọi là khởi xướng ở việc chia sẻ thông tin với nhau. Do đó, để việc đối thoại hiệu quả, hai bên phải có sự trao đổi với nhau để cùng tìm ra giải pháp xuất phát từ lợi ích kinh doanh, ổn định quan hệ sản xuất. Thực hiện đối thoại sớm sẽ giúp người lao động được giải đáp những vướng mắc gây tổn hại lợi ích của doanh nghiệp, còn những doanh nghiệp không thực hiện đối thoại thì rất khó tìm được tiếng nói chung với người lao động./.

Mai Đan (Thời báo tài chính Việt nam)