Về việc khai bổ sung số lượng hàng hóa XK, Cục Hải quan Đắk Lắk cho biết, đặc tính của mặt hàng nông sản thường có thay đổi về trọng lượng tùy thuộc vào điều kiện nhiệt độ, độ ẩm… của môi trường xung quanh. Do đó, khi DN XK mặt hàng này nói chung và mặt hàng cà phê nói riêng vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu đến cửa khẩu xuất sẽ xảy ra sai lệch về số lượng hàng hóa thực xuất so với khai báo hải quan ban đầu. Trong khi đó, theo quy định của Luật Hải quan 2014, Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Thông tư số 38/2015/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 38), DN thực hiện khai bổ sung tiêu chí số lượng hàng hóa thực xuất và trọng lượng (gross weight) thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS. Tuy nhiên, do tiêu chí trọng lượng (gross weight) chưa được hỗ trợ khai bổ sung sau thông quan trên VNACCS/VCIS nên DN phải làm song song 2 việc: Khai bổ sung bằng tờ khai bổ sung sau thông quan (thông qua nghiệp vụ AMA) trên VNACCS/VCIS với tiêu chí số lượng hàng hóa XK và khai bổ sung bằng văn bản đối với tiêu chí trọng lượng (gross weight).
Cục Hải quan Đắk Lắk nhấn mạnh, việc thực hiện thủ tục khai bổ sung theo quy định tốn rất nhiều thời gian, chi phí của DN. Hơn nữa, nông sản thường được XK theo mùa nên áp lực về khai báo bổ sung trong thời kỳ cao điểm dẫn đến việc phát sinh các vi phạm về thời hạn khai báo hải quan không mong muốn.
Cục Hải quan Đắk Lắk cũng cho rằng, theo thông lệ quốc tế, khi XNK mặt hàng cà phê nhân, trên hợp đồng thương mại thường cho phép có mức dung sai (khoảng 0,5% đến 1%) đối với số lượng (trọng lượng tịnh) của hàng hóa. Vì vậy, DN kiến nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính xem xét cho phép DN không phải thực hiện khai bổ sung đối với tiêu chí số lượng hàng hóa XK và trọng lượng (gross weight) trong trường hợp số lượng hàng hóa thực XK có sai lệch so với khai báo hải quan ban đầu nằm trong mức dung sai cho phép của hợp đồng thương mại (0,5%). Trường hợp vẫn phải thực hiện khai bổ sung đối với các tiêu chí này, đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét hướng dẫn để đơn giản hóa thủ tục khai báo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK của DN.
Trả lời vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết: Trường hợp tờ khai hải quan XK đã thông quan nhưng có sự chênh lệch về khối lượng thực tế của hàng hóa so với khối lượng khai báo trên tờ khai, người khai hải quan thực hiện khai báo bổ sung căn cứ trên chứng thư giám định của tổ chức giám định.
Do vậy, Tổng cục Hải quan cho rằng, không thể quy định chính xác tỷ lệ % chênh lệch hao hụt khối lượng để không phải thực hiện khai báo bổ sung tờ khai hải quan do mặt hàng rất đa dạng và giá trị đối với từng mặt hàng cũng rất khác nhau.
Đối với vấn đề không khai bổ sung trên Hệ thống (AMA) với tiêu chí “trọng lượng”, theo Tổng cục Hải quan, hiện tại, phía Nhật Bản đang tiến hành đánh giá lại Hệ thống để tài trợ lần 2 cho việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS. Tổng cục Hải quan ghi nhận phản ánh để tổng hợp vào các nội dung sẽ làm việc với phía Nhật Bản để nâng cấp hệ thống.
Cũng theo Cục Hải quan Đắk Lắk, về tiêu đề tờ khai sau khi thực hiện khai bổ sung sau thông quan: Khi DN in tờ khai bổ sung sau thông quan của hàng hóa XK thì tiêu đề tờ khai thể hiện, “tờ khai bổ sung sau thông quan chưa đăng ký” mặc dù DN đã hoàn thành thủ tục khai bổ sung theo đúng quy định. Do đó, đơn vị đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét chỉnh sửa chính xác nội dung tiêu đề Tờ khai bổ sung sau thông quan để thuận tiện cho DN trong công tác lưu trữ cũng như sử dụng tờ khai hải quan để thực hiện các thủ tục khác có liên quan đến hàng hóa XK.
Tổng cục Hải quan cho rằng, “tờ khai bổ sung sau thông quan chưa đăng ký” có nghĩa là DN mới thực hiện nghiệp vụ AMA trên hệ thống, chưa thực hiện khai bổ sung chính thức (nghiệp vụ AMC). Sau khi thực hiện khai báo chính thức AMC, DN sẽ in được “tờ khai bổ sung sau thông quan (được chấp nhận)”.
Về vướng mắc trong việc khai báo số hiệu container khi làm thủ tục hải quan, Cục Hải quan Đắk Lắk cho biết, đối với hàng hóa XK DN chưa có số hiệu container để khai báo khi đăng ký tờ khai. Để đưa hàng hóa vào khu vực giám sát hải quan, DN phải in “Danh sách container đủ điều kiện qua khu vực giám sát” (có mã vạch) để Hải quan giám sát cảng xác nhận bằng con dấu và chữ ký sống. Tuy nhiên, DN lại không thể in Danh sách container tại cảng và khu vực quanh cảng, còn nếu in tại DN và fax tới Hải quan giám sát tại cảng thì không thể xác định được mã vạch (bị nhòe, mờ). Do đó, ảnh hưởng đến hoạt động XNK của DN.
Đồng thời, theo quy định tại Thông tư số 38 thì sau khi hàng hóa được đưa vào khu vực giám sát hải quan, DN phải khai bổ sung đối với tiêu chí số container.
Để có cơ sở thực hiện, DN đề nghị bỏ việc khai bổ sung đối với tiêu chí số container do khi mang hàng đến cửa khẩu DN đã phải nộp Bản kê số hiệu container theo mẫu số 31/BKCT/GSQL để công chức Hải quan kiểm tra và cập nhật số container vào Hệ thống theo quy định.
Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định tại Điểm a.5 Khoản 3 Điều 20 Thông tư số 38, khi làm thủ tục hải quan XK, nếu chưa có số hiệu container hoặc số hiệu container có thay đổi so với khi đăng ký tờ khai hải quan hàng hóa XK thì người khai hải quan phải nộp Bản kê số hiệu container theo mẫu số 31/BKCT/GSQL Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư số 38 cho công chức Hải quan giám sát tại cửa khẩu xuất để công chức Hải quan kiểm tra, cập nhật số container vào Hệ thống để in danh sách container.
Về phản ánh của DN không in được danh sách container tại cảng vào khu vực xung quanh cảng, theo Tổng cục Hải quan, quy định tại Điều 52 Thông tư số 38, Điều 28 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ, người khai hải quan in danh sách container, danh sách hàng hóa. Trường hợp không in được, công chức Hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu in danh sách container, danh sách hàng hóa khi người khai hải quan hoặc người vận chuyển yêu cầu.
Cục Hải quan Đà Nẵng phản ánh, hiện nay, không có quy định về thời gian thực hiện hợp đồng gia công và gia hạn thời hạn của hợp đồng, DN không phải thông báo hợp đồng gia công cho cơ quan Hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan. Điều này đã dẫn đến việc theo dõi và xử lý khi hợp đồng gia công kết thúc theo Điều 64 Thông tư 38 của cơ quan Hải quan và DN rất khó khăn. Do đó, DN đề nghị Tổng cục Hải quan hướng dẫn về thời gian thực hiện, gia hạn hợp đồng gia công. Đối với hợp đồng gia công có gia hạn sau khi kết thúc, trong vòng 15 ngày DN có văn bản thông báo theo Điều 64 Thông tư 38 có được chấp nhận?
Hiện nay, ngành Hải quan đã thay đổi căn bản phương thức quản lý đối với loại hình gia công, sản xuất XK. Theo đó, DN tự chịu trách nhiệm về việc quản lý hợp đồng gia công, thay đổi hợp đồng gia công và gia hạn hợp đồng gia công theo thỏa thuận với đối tác nước ngoài. Cơ quan Hải quan không quản lý việc gia hạn hợp đồng gia công, hoặc ký kết các phụ lục hợp đồng gia công; khi có nghi ngờ về tình hình sử dụng nguyên phụ liệu không đúng mục đích sử dụng, cơ quan Hải quan sẽ tiến hành kiểm tra tại trụ sở DN.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 64 Thông tư số 38 thì DN có trách nhiệm thông báo phương án giải quyết nguyên liệu, vật tư dư thừa… chậm nhất 15 ngày kể từ ngày kết thúc hợp đồng gia công hoặc hết hiệu lực thực hiện (trong đó bao gồm cả thời gian gia hạn hợp đồng). Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày thông báo thì tổ chức cá nhân phải thực hiện xong thủ tục hải quan để giải quyết nguyên liệu, vật tư…
Như vậy, hoạt động thông báo và thực hiện các thủ tục xử lý theo phương án đã thông báo thuộc trách nhiệm của DN. Cơ quan Hải quan có trách nhiệm kiểm tra và xử lý vi phạm khi DN vi phạm các quy định trên.