Thay đổi để phát triển

Chúng ta không thể cạnh tranh được nếu không thay đổi tổ chức sản xuất

Dù mức tăng trưởng chỉ đạt 8,1% so với năm 2014, tương đương khoảng 12,1 tỷ USD nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, xuất khẩu của Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trong khu vực khi năm 2015 cả nước có 23 nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Không đạt mục tiêu do khách quan

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hoạt động XNK của Việt Nam năm 2015 đã vượt qua khó khăn và đạt kết quả khả quan, tăng 8,1%, không kể ngoại tệ thu được do khai thác và xuất khẩu dầu thô ở nước ngoài.

Đây là kết quả tăng trưởng khá cao trong tương quan so sánh với năm trước, cũng như so sánh với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như: Trung Quốc giảm 1,9%, Indonesia giảm 13,3%, Thái Lan giảm 5%, Hong Kong giảm 1,5%, Malaysia giảm 0,2%...

Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng cao đóng vai trò quan trọng, kéo xuất khẩu cả nước tăng trưởng.

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2015 khoảng 165,6 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2014, tương đương 17,8 tỷ USD. Nhập siêu năm 2015 được kiểm soát tốt, cả năm 2015, nhập siêu khoảng 3,17 tỷ USD, tương đương 2% kim ngạch xuất khẩu.

Điểm hạn chế là xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở những nhóm mặt hàng do khối các DN FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào lợi thế giá nhân công cao. Giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản giảm, đặc biệt sự giảm giá dầu thô đã ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Lý giải tình trạng này ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, năm 2015, chúng ta đã chứng kiến năm diễn biến phức tạp trên thị trường thương mại thế giới, cùng loạt sản phẩm, mặt hàng vốn có thế mạnh đều gặp khó khăn do cung cầu trên thế giới.

Ví dụ như mặt hàng dầu thô chiếm kim ngạch lớn nhưng sự sụt giá liên tục diễn ra từ những ngày cuối năm 2014 cho đến suốt trong năm 2015.

Mới đây nhất dầu thô suy giảm lớn, chỉ khoảng hơn 35 USD/thùng. Những mặt hàng khác như than đá, khoáng sản có sự sụt giảm lớn cả về quy mô lẫn kim ngạch xuất khẩu do thị trường thế giới thu hẹp. Các mặt hàng nông sản cao su, cà phê, gạo cũng do cung cầu bất ổn định dẫn tới áp lực lớn cho Việt Nam. Do vậy, mục tiêu xuất khẩu không đạt như mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng sụt giảm, vẫn có những ngành phát triển tốt và giữ vững thị trường như dệt may, công nghiệp chế tạo, chế biến (điện thoại, điện tử vi tính, thiết bị vận tải…) tăng trưởng ở mức 2 con số. Chính nhờ vậy, mà cán cân thương mại đạt mục tiêu, tức là nhập siêu nằm trong mức kiểm soát tốt.

Nỗ lực để xuất khẩu năm 2016 đạt khoảng 178 tỷ USD

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước trong năm 2016 tăng 6,7%, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, ngành Công Thương phấn đấu đạt những mục tiêu, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10% so với năm 2015. Xuất khẩu năm 2016 đạt khoảng 178 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 5%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước tăng khoảng 11,5-12%.

Kế hoạch này đặt trên nền tảng hàng loạt FTA mở ra cơ hội giúp chúng ta hình thành chuỗi giá trị trong và ngoài nước thông qua vốn đầu tư nước ngoài lẫn nguồn lực đầu tư trong xã hội để có điều kiện phát triển đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm.

“Những FTA hàm chứa nhiều nội dung không chỉ mở cửa thị trường mà chúng ta còn phải đổi mới mô hình tăng trưởng, quản lý Nhà nước. Điều này sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất cũng như năng lực. Đây là những đóng góp to lớn giúp cho DN, nền kinh tế 2016 khởi sắc hơn”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, thách thức lớn cho DN là việc nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, hàng rào kỹ thuật mà các quốc gia đặt ra. Bởi sản phẩm dù muốn hay không đều phải đáp ứng hàng rào kỹ thuật mà các nước yêu cầu, trong khi chúng ta còn hạn chế nhất định về quy cách, chất lượng sản phẩm thực phẩm. Chúng ta không thể cạnh tranh được nếu không thay đổi tổ chức sản xuất.

Đặc biệt, tới đây xu thế phát triển công nghệ sẽ ngày càng phát triển, nếu chúng ta không tổ chức thực hiện cam kết hội nhập có hiệu quả thì chắc chắn sẽ bị đi sau, thua thiệt. Khi các DN còn chưa thể hiện sự năng động, chủ động trong việc tiếp cận nội dung, cam kết mới thì sẽ chịu thiệt hại nhiều khi nặng nề. Do vậy, trong 2016 cần thực hiện tốt các chỉ đạo chung của Chính phủ ổn định vĩ mô tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hỗ trợ DN khai thác thị trường mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, ngành Công Thương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế luật pháp, cơ chế, chính sách để công nghiệp, thương mại phát triển mạnh mẽ hơn. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân, DN trong nước, NĐT trong và ngoài nước đầu tư cùng phát triển theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, ngành phải tạo mọi điều kiện cho DN trong nước phát triển kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, phải tạo mọi điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, phát huy các mặt hàng thế mạnh; Kiểm soát nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế để đảm bảo cân bằng cán cân thương mại, ổn định kinh tế vĩ mô.

Dương Công Chiến (thời báo ngân hàng online)