Song hành cùng vận hội mới

 

Nắm chắc cơ hội vàng

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã, đang và sắp ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới”, cùng với đó là sự kiện Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) sẽ đi vào hoạt động từ 31-12-2015. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam hội nhập càng nhiều, DN càng rối, khiến các DN khó tận dụng cơ hội và gặp nhiều thách thức hơn. Tuy nhiên, theo TS. Trịnh Minh Anh, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay là đa cực với nhiều thể chế và hình thái phát triển, do đó, đòi hỏi Việt Nam cũng phải phát triển một nền kinh tế đa cực, trong đó, việc Việt Nam tiến tới ký kết nhiều FTA là một bước đi tất yếu.

Trên thực tế, các dự báo đều cho rằng, mục tiêu GDP tăng trưởng 6,2% trong năm 2015 sẽ đạt được. Mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2016 là 6,7%, XK tăng 10%, đây được đánh giá là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008. Bên cạnh đó, báo cáo khoa học của ThS. Lê Quốc Anh, Viện Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, với đà phát triển như hiện nay, Việt Nam có thể thành nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2015-2050, dự báo những gì Trung Quốc mất 30 năm mới làm được thì Việt Nam chỉ mất 10 năm.

Chia sẻ về hướng phát triển trước làn sóng hội nhập, theo ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), ngành thép Việt Nam nói chung và VnSteel nói riêng đã có quá trình hội nhập sớm và sâu rộng. Trong năm 2015, ngành thép đã phải đối mặt với nhiều khó khăn từ các vụ kiện phòng vệ thương mại hay sản phẩm thép NK giá rẻ. Vì thế, để vượt qua khó khăn, đón lấy cơ hội của năm 2016, VnSteel đang quyết liệt triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2015-2016 và sẽ tiếp tục giai đoạn 2016-2020. Hơn nữa, VnSteel cũng đang tăng cường khả năng cạnh tranh bền vững bằng việc phát triển chuỗi giá trị liên hợp với chi phí thấp, từ nguyên liệu thô cho đến thành phẩm, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, thương hiệu sản phẩm để kịp thời ứng phó với rào cản thương mại của thị trường thế giới.

Trước những cơ hội và thuận lợi đến từ FTA, nhiều DN đã đặt kế hoạch gia tăng lợi nhuận trong năm 2016. Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016 với tổng doanh thu 3.375 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 110 tỷ đồng, lần lượt vượt 115% và 110% so với năm 2015. Tổng công ty Đức Giang cũng đặt mục tiêu quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch trong năm 2016 nhằm đạt mức tăng trưởng tối thiểu 20% so với năm 2015…

Nhận định về hướng phát triển của DN, ông Lương Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Công ty TNHH MTV K&Y (DN sản xuất, XK hàng tiêu dùng) cho hay, năm 2016 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới nhưng không phải DN nào cũng biết tới và dám vượt qua, người lãnh đạo DN phải có “gan”, dám mạo hiểm, tạo ra được sự khác biệt thì mới có thể vươn lên phát triển bền vững, tiếp tục đà tăng trưởng. Vì thế, việc tận dụng được thời cơ hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực và sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ - dám làm của DN chứ không quan trọng DN nhỏ hay lớn.

Tăng sức mạnh

Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2016 cũng như thích ứng với hội nhập, đại diện Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho hay, Vinacafe chú trọng vào việc xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, XNK. Hơn nữa, việc hội nhập sẽ đặt ra yêu cầu về mở rộng, tìm hiểu thông tin thị trường nên Vinacafe sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin sản phẩm, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật và tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu và văn hóa cà phê Việt Nam nhiều hơn nữa.

Với Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn, việc gia tăng sức mạnh cần nhiều việc phải làm hơn do ngành mía đường nói chung đang rất “vất vả” trong hội nhập. Bởi vậy, các chỉ tiêu về kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm tài chính 2015-2016 của Công ty đạt thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ năm 2014. Ban lãnh đạo Công ty đã tự nhận thấy nguyên nhân của vấn đề trên là do còn kinh doanh nhỏ lẻ, không tập trung, trình độ kỹ thuật chưa cao và nhiều tập đoàn lớn khác cũng đầu tư vào nông nghiệp để đón đầu hội nhập. Vì thế, trong giai đoạn 2 của năm tài chính 2015-2016, Công ty đặt mục tiêu thu hoạch 800.000 tấn mía, vụ 2016-2017 tăng lên 1 triệu tấn mía. Để làm được kế hoạch này, Công ty sẽ phải rà soát, xây dựng và cải tổ phương pháp trồng mía, nâng cao năng lực sản xuất, cơ sở hạ tầng…

Cho dù con đường hội nhập dù đã mở ra trước mắt nhưng không phải DN nào cũng đủ sức mạnh để thích ứng và vượt qua. Bởi theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính, hiện tại các DN phần lớn đang làm những cái mình có chứ không phải cái thị trường cần. Vì thế, vấn đề mà DN còn thiếu và yếu nhất là vốn và năng lực quản trị.

Thực trạng trên phần lớn diễn ra ở các DN vừa và nhỏ với số lượng đông đảo lên tới 80% tổng số DN. Mặc dù các DN này cũng sẽ chịu nhiều tác động từ hội nhập nhưng khá nhiều DN tỏ ra thờ ơ, không muốn thay đổi để lớn lên. Một số DN cho rằng, DN chỉ làm gia công, làm thuê lại từng phần cho các DN lớn, chỉ XK với số lượng rất ít nên sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng, nhưng cũng có một số DN lại cho biết, DN muốn phát triển, muốn lớn mạnh hơn nhưng lại đang vướng phải nhiều rào cản.

Có thể thấy, vận hội mới đã mở ra trước mắt và chờ đón các DN có đủ dũng khí để bước qua. Con đường nào cũng có những gian nan và gập ghềnh, điều quan trọng là DN chọn đúng, làm đúng.

Hương Dịu (Hải quan online)