Doanh nghiệp công nghệ cao: Cần kích thích nguồn vốn nội

DN công nghệ cao của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, cần đến nguồn đầu tư để phát triển. Ảnh: Trần Việt.

Sự cần thiết

Trong một cuộc hội thảo được tổ chức gần đây về việc làm thế nào để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, các nhà đầu tư khi chọn địa điểm đầu tư thường căn cứ vào giá thuê nhân công và môi trường đầu tư ổn định. Điều đáng mừng đây chính là thế mạnh sẵn có của Việt Nam khi hội nhập, nên việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghệ điện tử của Việt Nam đã tăng mạnh trong thời gian qua.

Cùng chung nhận định, theo ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel, lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam có nhiều tiềm lực để phát triển. Việt Nam có thể chế tạo được các sản phẩm lớn như thiết bị cơ giới… hay các sản phẩm nhỏ như vi mạch, thiết bị vi sơ điện tử… Hơn nữa, Việt Nam có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào, chính sách cởi mở, đây chính là những điểm để thu hút các nhà đầu tư.

Trên thực tế, lĩnh vực này trong những năm qua đã thu hút một lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào xây dựng hoặc hợp tác với các DN trong nước cùng phát triển. Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 18 lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 892 dự án đầu tư đăng ký mới và 491 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,9 tỷ USD, chiếm 64% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với 8 dự án đăng ký cấp mới và 6 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,77 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư.

Điều đáng chú ý, các nước có số lượng đầu tư lớn nhất đều là những quốc gia có nền công nghiệp công nghệ cao lớn mạnh của thế giới như Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 6,3 tỷ USD, chiếm 31,6% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam và với số vốn đầu tư là 1,72 tỷ USD chiếm 8,5% tổng vốn.

Chính vì các dự án đầu tư nước ngoài mạnh mẽ như vậy, nên theo báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu ngành công nghiệp điện tử chiếm 80% giá trị toàn ngành công nghệ thông tin. Nhưng ngành này không mạnh vì có tới 90% giá trị thị trường đang được nắm giữ bởi các DN nước ngoài, các DN Việt Nam vẫn chủ yếu làm khâu gia công, lắp ráp hoặc thực hiện dịch vụ thương mại.

Nhiều DN nhận định, nếu các DN không tự tăng nội lực thì việc các DN khác thu hút được đầu tư nước ngoài hoặc DN nước ngoài tự đầu tư xây dựng nhà máy sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà cho các DN Việt Nam. Vì thế, các DN ngành này cần một chiến lược phát triển đúng hướng trong đó cần tăng kêu gọi nguồn đầu tư trong nước, kết nối, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh giữa các DN.

DN Việt vẫn loay hoay

Trong năm 2015, nhiều DN trong nước đã “mạnh dạn” mang tiền đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Tín hiệu đáng mừng là tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), theo thống kê, tính đến thời điểm tháng 7-2015, SHTP có 76 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 4.211,5 triệu USD, trong đó, vốn trong nước nhỉnh hơn với 784,6 triệu USD của 42 dự án, vốn FDI đạt 3.426,9 triệu USD của 34 dự án. Các DN tiêu biểu như: Công ty Hoàng Nguyên với 27,9 triệu USD, Tập đoàn Viettel với 2 triệu USD, Công ty Cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam với 5,1 triệu USD…

Tuy nhiên, so về tương quan với tổng vốn đầu tư của các DN FDI thì DN Việt Nam còn khá nhỏ bé, các DN nước ngoài đang chiếm ưu thế cả về số lượng và quy mô, các DN trong nước phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể đuổi kịp, đủ sức cạnh tranh.

Tiêu biểu như dự án của Công ty SamSung Display Việt Nam với số vốn đầu tư tăng thêm 3 tỷ USD từ mức vốn đầu tư ban đầu 1 tỷ USD vào năm 2014 tại Khu Công nghiệp Yên Phong 1, Bắc Ninh với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công, tiếp thị hoặc bán các loại màn hình. Hay cũng tại SHTP, Công ty Intops (Hàn Quốc) đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đồ điện tử và linh kiện công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, dự án sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2016. Nhà máy sẽ tập trung chủ yếu vào sản xuất phụ tùng và cấu kiện hàng gia dụng cho Samsung Electronics, sau đó mở rộng ra lĩnh vực phát triển và sản xuất các thiết bị theo mô hình mạng lưới vạn vật kết nối Internet...

Về vấn đề này, đại diện Công ty Toyota Việt Nam cho hay, Việt Nam có thị trường sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô đầy tiềm năng nhưng có quy mô nhỏ, chỉ bằng 1/15 của Thái Lan. Hơn nữa, chính vì có quy mô nhỏ nên giá thành sản phẩm cũng cao hơn, các nhà đầu tư ít nên linh phụ kiện vẫn phải NK nhiều. Đây đều là những nguyên nhân cản trở việc thu hút đầu tư nước ngoài chứ chưa nói đến DN trong nước.

Nhìn chung, việc thu hút đầu tư với các DN ngành công nghệ cao vẫn còn nhiều khó khăn do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan do các DN vẫn còn hạn chế về phương hướng kinh doanh không đủ hấp dẫn, nguồn vốn ít và công nghệ kém, các DN chưa sẵn sàng với hội nhập, chỉ thích dừng ở mức gia công cho dễ hoạt động, ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng, hệ thống cơ sở hạ tầng ở nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, tiêu biểu như năng lượng điện, hệ thống cấp thoát nước… còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, trình độ đào tạo nguồn nhân lực còn yếu, chưa đầy đủ, trong khi tiến bộ khoa học được cập nhật mỗi ngày.

Vì thế, nhiều DN mong muốn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư cần được cải cách, thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần kêu gọi, hỗ trợ đầu tư cho các dự án lớn trong ngành công nghệ cao để DN Việt Nam có cơ hội trở thành DN vệ tinh, học tập kinh nghiệm, từng bước tiến lên. 

Hương Dịu (Hải quan online)