DN đã vững vàng hơn

Ảnh minh họa

Vào cuộc kịp lúc

Đơn cử, như cây “đại thụ” trong ngành cà phê Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột) hay như vụ việc Công ty Trường Ngân, một DN xuất khẩu cà phê có tiếng ở khu vực phía Nam bị 7 ngân hàng xiết nợ, với số tiền nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng…

Theo các chuyên gia, trước những thách thức mà các DN phải đối mặt, năm 2015, Chính phủ, NHNN cũng như chính quyền các địa phương đưa ra nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ DN sống còn trước “bão”; vực dậy nền sản xuất.

Thực tế cho thấy, bằng những giải pháp, chính sách cụ thể, nhiều DN nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện về thủ tục, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ tiếp cận vốn địa phương… Qua đó, “giải cứu” kịp thời nhiều DN thoát khỏi vực thẳm, đứng lên ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Với sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có sự góp mặt của ngành Ngân hàng trong việc hạ lãi suất cho vay và đẩy mạnh hoạt động thẩm định, giải ngân vốn đã giúp DN từng bước vượt qua khó khăn ổn định sản xuất kinh doanh; trong đó có nhiều DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực cà phê vực dậy từ bên bờ vực thẳm.

Giúp DN vượt lên chính mình

Đứng trước diễn biến bất lợi của thị trường cà phê thế giới, việc gặp khó trong hoạt động xuất khẩu cà phê của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê Đức Nguyên không phải là ngoại lệ. Từ một DN chuyên xuất khẩu cà phê đang ăn nên làm ra, với doanh thu từ xuất khẩu cà phê nhân mỗi năm vài ngàn tỷ đồng. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, DN này đã rơi vào tình trạng trắng tay, nợ nần chồng chất.

Theo ông Trần Đức Thọ, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê Đức Nguyên,  năm 2007 DN cổ phần hóa theo chủ trương chung của Chính phủ. Sau khi cổ phần hóa DN hoạt động trong ổn định, lợi nhuận luôn tăng qua các năm.

Tuy nhiên, vào thời điểm tháng 7/2010, do tác động mạnh của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cà phê trên thị trường thế giới khi đó sụt giảm thê thảm, chỉ một đêm DN có thể “bốc hơi” đến vài trăm tỷ đồng. Bởi thị trường giá biến động theo hướng tiêu cực quá mạnh. Trong khi DN đã thu mua của người nông dân chế biến lưu kho từ trước đó.

Vậy nên, khi giá cà phê giảm sâu, với cả ngàn tấn cà phê sau chế biến trong kho, DN không thể nào trở tay kịp. Cà phê rớt giá, nợ ngân hàng đến hạn phải trả, tiền công thu mua chế biến, tiền vận chuyển, tiền chốt giá cà phê phải trả cho người nông dân… cả trăm thứ đổ lên đầu DN cùng một lúc. DN đã rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, đứng bên bờ vực phá sản. Trước áp lực trả nợ, bằng bất cứ giá nào DN cũng phải bán hàng đang lưu kho để từng bước giải quyết nợ nần cho các bên liên quan.

Thế nhưng cũng còn may mắn, trong cái khó DN ló cái khôn, chỉ còn lại số vốn liếng ít ỏi, cộng thêm phần vốn góp của cán bộ công nhân viên còn bám trụ, DN từng bước chuyển hướng làm ăn từ xuất khẩu chuyển sang thu mua, chế biến, bán hàng cho các DN trong nước, các đối tác rang xay… với mục đích để quay vòng vốn nhanh. Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của Agribank Đăk Lăk đã thông cảm và đồng hành giúp DN từng bước vượt qua những khó khăn trước mắt.

Nhờ đó, những năm qua, DN đã trả nợ được gần chục tỷ đồng tiền vốn vay tại Agribank Đăk Lăk. Từ một DN đứng bên bờ vực phá sản nhưng đến nay doanh thu bình quân của DN đạt 500 – 700 tỷ đồng mỗi năm; nộp ngân sách Nhà nước hơn 3-4 tỷ đồng/năm.

Ông Thọ khẳng định, trong lúc khó phải xác định mình đang ở đâu, phải nói thật với ngân hàng cho vay vốn, và có hướng sản xuất kinh doanh hiệu quả thì may ra mới có cơ hội sống còn. Từ chỗ, cán bộ, nhân viên đi làm không công - vì lợi nhuận làm ra DN tập trung tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh và tích góp để trả nợ ngân hàng - nhưng đến nay DN đảm bảo được thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên trên 5 triệu đồng/tháng. Có được kết quả này quả là ngoài sức tưởng tượng.

Các chuyên gia nhận định, kết thúc năm 2015 đã mang lại nhiều tín hiệu vui khi sự tăng trưởng và đà phục hồi của nền kinh tế thể hiện khá rõ nét qua các chỉ số kinh tế vĩ mô đã được công bố. Đặc biệt, điều đáng mừng nhất là “sức khỏe” của DN khá hơn rất nhiều so với năm trước.

Đây sẽ là trợ lực giúp DN vững vàng hơn trước vận hội hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Có được kết quả đó, chính nhờ vào các quyết sách của Chính phủ đã ra đời kịp lúc, tạo đà cho các DN vực dậy; góp phần đáng kể vào hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng; đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô được củng cố một cách vững chắc hơn.

Công Thái (thời báo Ngân hàng online)