Doanh nghiệp dệt may “đuối” trước Luật BHXH mới

Tăng lương tối thiểu là một khó khăn cho doanh nghiệp dệt may. Ảnh: Trần Việt.

Là một ngành sử dụng khá nhiều lao động, khi được hỏi về tác động của Luật BHXH đến ngành dệt may, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch VITAS cho biết, lâu nay khi nói tới tiền lương tối thiểu chúng ta chỉ nghĩ đến năm nay tăng bao nhiêu %, liệu có đáp ứng được mức tăng ấy không; quản lý làm sao cho tốt, tăng năng suất lao động làm sao để có đủ khả năng tăng chi phí trả lương cho người lao động... Nhưng đến khi thực hiện, xem kỹ các quy định của Luật BHXH mới thì mới “vỡ lẽ” ra rằng đây là một khó khăn lớn cho doanh nghiệp.

Theo phân tích của bà Dung, Luật BHXH trước đây quy định mức đóng bảo hiểm phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và lao động, miễn sao đồng lương cuối cùng người lao động nhận được không thấp hơn tiền lương tối thiểu.

“Doanh nghiệp đang thực hiện trên “nền” như vậy và mức đóng bảo hiểm ngày càng tăng, gần như cao nhất trong khu vực. Chúng ta đóng tới 34,5% (nếu tính cả 2% phí công đoàn). Không có nước nào đòi hỏi đóng phí cao như vậy”, bà Dung quả quyết.

Với mức phí này trên “nền” thấp thì doanh nghiệp còn có thể chịu đựng được nhưng với mức phí ở “nền” cao như quy định mới (Luật BHXH- PV) thì doanh nghiệp không đủ sức. Muốn thực hiện được, phải có lộ  trình để doanh nghiệp cải thiện điều kiện sản xuất và tăng năng suất lao động mới có khả năng chịu đựng được.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 tính toán: Với mức tăng lương phải thực hiện trong năm 2015, riêng chi phí đóng BHXH mà doanh nghiệp phải bỏ ra thêm để đóng cho người lao động là 15 tỷ đồng, người lao động phải đóng thêm 4,85 tỷ đồng. Nếu năm 2016, lương tối thiểu tăng thêm 12,4% thì phí đóng bảo hiểm mà doanh nghiệp phải bỏ ra thêm sẽ là 10 tỷ đồng, người lao động cũng sẽ phải đóng thêm khoảng 4,5 tỷ đồng nữa. Đây thực sự là thách thức lớn do từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn do đồng Euro mất giá so với đồng USD và đơn hàng giảm.

Ông Trần Việt, Trưởng ban tổng hợp pháp chế Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong năm 2016, dự kiến nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định và tiếp đà phát triển, hiệu quả đầu tư trong nước tiếp tục cải thiện. Đặc biệt, các Hiệp định thương mại tự do sẽ là lực đẩy để thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất, nâng cao năng lực, đón đầu các hiệp định. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với "khó khăn" do tăng lương tối thiểu, tăng số tiền trích nộp BHXH (22%), kinh phí công đoàn 2%. Điều này làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Phan Thu (Hải quan online)