Tư nhân kéo vốn ngoại về nông thôn

Ảnh minh họa

Trung tuần tháng 12/2015, Tập đoàn FPT và Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản) công bố hoàn thành xây dựng Trung tâm Hợp tác Nông nghiệp thông minh FPT – Fujitsu tại Hà Nội. Dự án này hợp tác triển khai thử nghiệm công nghệ nông nghiệp thông minh, ứng dụng điện toán đám mây trong ngành thực phẩm mà Tập đoàn FPT lần đầu tiên phối hợp với Fujitsu để thực hiện tại Việt Nam.

Theo thông tin từ FPT, dự án được xây dựng trên diện tích hơn 400 m2 tại huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Bao gồm 3 khu chính là: khu vực nhà kính (phục vụ trồng rau theo công nghệ tự động); khu vực nhà máy chế biến rau khép kín và khu trưng bày – thương mại sản phẩm.

Tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án này khoảng 1 triệu USD, một phần được phía Tập đoàn Fujitsu tài trợ. Phần còn lại được FPT trực tiếp đầu tư. Được biết, sau giai đoạn thử nghiệm, vào giữa quý I/2016, FPT sẽ chính thức khai trương trung tâm này và bắt đầu áp dụng công nghệ trồng rau Nhật Bản trên diện rộng.

Cùng thời điểm với FPT, ngày 10/12 vừa qua, Tập đoàn Sao Mai (An Giang) cũng đã tiến hành ký kết hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Koyo (cũng của Nhật Bản) trong lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch phục vụ cho việc chế biến thủy sản ở các khu công nghiệp thuộc khu vực ĐBSCL.

Theo ký kết giữa 2 bên, phía Koyo sẽ hợp vốn cùng với Sao Mai để xây dựng nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời trong khu công nghiệp Vàm Cống (An Giang) – nơi mà Tập đoàn Sao Mai đang đầu tư mạnh các nhà máy chế biến thủy sản cũng như sản xuất dầu ăn từ mỡ cá tra.

Dự kiến công suất của nhà máy điện mặt trời này sau khi hoàn thành sẽ đạt khoảng 10.500 kW/h. Từ nguồn điện tự sản xuất này, Sao Mai sẽ tiết kiệm được khoảng 40 tỷ đồng cho các hoạt động chế biến thủy sản và sản xuất nông nghiệp.

Trường hợp của FPT và Sao Mai vừa kể trên là 2 trong số nhiều các dự án hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa các DN tư nhân trong nước với các đối tác nước ngoài đã được thực hiện trong thời gian qua.

Nếu xem xét từ đầu năm 2015 đến nay, có thể kể thêm các dự án như: Dự án hợp tác lĩnh vực chăn nuôi heo giữa CTCP Chăn nuôi Thái Dương (Hưng Yên) với Công ty Vissing Agro A/S (Đan Mạch); Dự án chuyển đổi 2.000 ha đất lúa sang trồng ngô giữa Công ty Vạn Thắng (Phú Yên) với Công ty Invivo NSA (Pháp); Dự án làng thần kỳ (sản xuất rau sạch xuất khẩu) giữa Công ty An Phú Lacue (Lâm Đồng) với 2 đối tác Nhật Bản là Công ty Frais Funghi và Công ty Dong Sheng…

Như vậy, từ đầu năm 2015 đến nay, khối DN tư nhân trong nước đang khá nhanh nhạy trong việc hợp tác, tranh thủ công nghệ và nguồn vốn nước ngoài để phát triển các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cho thấy xu hướng chủ động hội nhập của cộng đồng DN tư nhân là khá rõ ràng. Và đây cũng là tín hiệu tốt để thúc đẩy nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp một cách bền vững.

Bởi khi các DN tư nhân trong nước và các công ty, tập đoàn đa quốc gia bắt tay nhau ngày một nhiều sẽ là tiền đề tạo ra các liên minh trong từng ngành hàng cụ thể. Và khi đó các chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông sản sẽ được bản thân các liên minh nội – ngoại này hình thành và phát triển. Ngay cả các khâu marketing, xây dựng thương hiệu cũng sẽ được các liên minh này chủ động tạo ra để nâng cao giá trị sản phẩm của mình trong chuỗi phân phối toàn cầu.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang thực hiện đề án tái cơ cấu toàn diện, hướng đến sản xuất nông sản hàng hóa thì việc tạo ra những liên minh trong từng ngành hàng dường như là một hướng đi tất yếu. Và trong khi những dự án hợp tác công – tư trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn được các địa phương đẩy mạnh thì xu hướng chủ động bắt tay kêu gọi nguồn vốn và công nghệ nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp của khối DN tư nhân cần được nhìn nhận như một điểm sáng có thể kỳ vọng kéo nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập sâu hơn trên thị trường khu vực và thế giới.

Thạch Bình (thời báo Ngân hàng online)