Điều kiện được trợ cấp khi chuyển khỏi vùng đặc biệt khó khăn?

Theo kế toán trường THCS Xuân Bình trả lời, trường hợp của bà không đủ năm được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần khi chuyển ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ, do xã Xuân Bình bị cắt khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn thời gian 1 năm 10 tháng.

Bà Thủy hỏi, bà có được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn không?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Theo Điều 8 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định, đối tượng nêu tại Điều 2 Nghị định này đang công tác và có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo Quyết định số 1232/1999/QĐ-TTg ngày 24/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực ngày 8/1/2000, hết hiệu lực 13/8/2006). phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn và các xã biên giới thuộc phạm vi Chương  trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135) để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình từ kế hoạch năm 2000 thì, xã Xuân Bình là 1 trong 13 xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Theo Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn chưa hoàn thành mục tiêu chương trình 135 vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2006-2010 (có hiệu lực 13/8/2006, hết hiệu lực 10/12/2013) thì, xã Xuân Bình thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa không có tên trong danh sách được phê duyệt.

Ngày 10/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2405/QĐ-TTg phê duyệt các xã đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2014-2015 (có hiệu lực 10/12/2013, hết hiệu lực 1/2/2016), xã Xuân Bình được phê duyệt là 1 trong 15 xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Theo Danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 -2020, ban hành kèm theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 7/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, thì huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa là 1 trong 8 huyện được xét thoát nghèo giai đoạn 2018–2010.

Trường hợp bà Chung Thị Thủy, là giáo viên được điều động đến công tác tại trường THCS Xuân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa từ ngày 1/1/2005. Đến ngày 15/6/2015, bà chuyển công tác về xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thời điểm bà Thủy được điều động đến xã Xuân Bình công tác (1/1/2005), xã Xuân Bình được xác định là xã đặc biệt khó khăn theo phê duyệt tại Quyết định số 1232/1999/QĐ-TTg ngày 24/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ và thời điểm chuyển công tác ra khỏi xã Xuân Bình (15/6/2015), xã Xuân Bình được xác định là xã đặc biệt khó khăn theo phê duyệt tại Quyết định số 2405/QĐ ngày 10/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trong thời gian bà Thủy công tác tại Trường THCS Xuân Bình, xã Xuân Bình không tên có trong Danh sách các xã đặc biệt khó khăn giai đoạn từ 2006 đến 2010 được phê duyệt theo Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, thời gian được tính là thời gian công tác tại xã đặc biệt khó khăn của bà Thủy không bao gồm giai đoạn xã Xuân Bình không được phê duyệt là xã đặc biệt khó khăn. Khi chuyển công tác về xuôi ngày 15/6/2015, bà Thủy chưa đủ thời gian công tác tại vùng đặc biệt khó khăn 10 năm trở lên, nên chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP.

          Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo Báo Chính phủ