Đưa công nghệ tiên tiến vào quản trị

Một gian hàng tại “Hội nghị Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2015”

Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và quản lý DN đã được xác định là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa cũng như của DN.

Thế nhưng trong thực tế, việc này còn chưa được quan tâm đúng đắn. Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020 là sẽ phát triển 3.000 DN khoa học công nghệ. Đây là con số khá lớn so với tiềm lực sẵn có và theo đánh giá chung, mục tiêu này khó có thể đạt được, bởi cho đến nay hầu hết các vườn ươm vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình ươm tạo.

Dự kiến, mô hình này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc về hình thành pháp nhân, bộ máy, cơ chế điều hành, nguồn nhân lực và vốn... trong giai đoạn sắp tới.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, DN Việt Nam còn bộc lộ nhiều điểm yếu kém dẫn tới chịu nhiều thua thiệt trong cạnh tranh sòng phẳng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, DN cần chủ động phấn đấu để nâng cao vị thế của sản phẩm trong chuỗi giá trị gia tăng sản xuất và kinh doanh quốc tế.

Thực tế cho thấy, trong sự phân công lao động toàn cầu hiện nay, để đạt năng suất lao động cao, quá trình sản xuất ra một sản phẩm cần có sự tham gia của nhiều DN trong từng công đoạn. Các DN ấy có thể ở nhiều nước khác nhau, song điều quan trọng là cùng tham gia vào quá trình tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm.

Trước tình hình chi phí đầu vào tăng nhanh, kể cả năng lượng và nhiều vật tư, thiết bị, thì hoạt động khoa học, công nghệ của DN cần tập trung vào việc giảm chi phí đầu vào, coi đây là giải pháp chủ yếu để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Đó là việc thực hiện các biện pháp nhằm giảm tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng trên một đơn vị sản phẩm, là việc dùng các nguyên liệu và năng lượng thay thế mà vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm.

Như vậy, kinh phí đầu tư cho việc nghiên cứu và triển khai đổi mới công nghệ của DN cần tăng thêm, thay đổi khuynh hướng chỉ tập trung mua sắm thiết bị. Bên cạnh đó, chính sách thuế cần được giảm nhằm khuyến khích việc nhập khẩu công nghệ cao, miễn trừ thuế nhập khẩu máy móc hoặc trong các hợp đồng hoàn thiện công nghệ, thực hiện hợp đồng nghiên cứu triển khai…

Thực hiện liên doanh, liên kết giữa các DN trong nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với các tập đoàn xuyên quốc gia cũng là những giải pháp hiệu quả để thực hiện chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ công nghệ của DN. Ví dụ, DN trong nước sản xuất sản phẩm phụ trợ, linh kiện phụ tùng, cung cấp cho các DN nghiệp FDI, và DN trong nước dùng sản phẩm để sản xuất ra thành phẩm cuối cùng… qua đó hấp thụ công nghệ mới, phát huy tác dụng lan tỏa từ các DN FDI và các tập đoàn xuyên quốc gia.

Hiện nhiều DN Việt còn ở quy mô nhỏ và vừa, việc quản lý DN còn thiếu tính chuyên nghiệp. Vì vậy, cần phổ biến, khuyến khích các DN xây dựng hệ thống quản trị hiệu quả, quản lý theo tiêu chuẩn ISO và các tiêu chuẩn khác về bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động… coi đây là một việc rất quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng đóng góp vai trò rất quan trọng. Hiện nay khi nhân lực cấp cao khan hiếm, DN có vốn FDI sẽ tìm mọi cách để thu hút nhân tài, cuộc cạnh tranh sẽ diễn ra gay gắt. Không ít DN Việt cũng có đủ điều kiện để thu hút nhân tài từ các nước khác, nhưng điều quan trọng hiện nay là những biện pháp để giữ người.

Đó cũng là những nhân tố chủ yếu để DN nước ta phát huy được lợi thế trong việc tham gia thị trường toàn cầu, nâng cao vị thế, tầm cỡ của DN Việt Nam.

Minh Nguyễn (thời báo Ngân hàng online)