Lao động cao tuổi có phải đóng bảo hiểm xã hội không?

Luật gia Nguyễn Thị Trang, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời: 

Khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Điểm a Khoản 2 Điều 12 Văn bản hợp nhất Luật Bảo hiểm y tế quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như sau: 2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, bao gồm: a) Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

Khoản 1 và khoản 2 Điều 43 Luật việc làm 2013 quy định về đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp như sau:

1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Khoản 3 Điều 186 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và tiền nghỉ phép hằng năm theo quy định.

Như vậy, công ty ký hợp đồng lao động với người đang hưởng lương hưu thì không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, ngoài việc trả lương theo công việc, công ty còn phải trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Theo laodong.vn