Mía đường đối mặt với hội nhập

Ảnh minh họa

Quan trọng hơn đằng sau câu chuyện này là sức cạnh tranh của ngành đường thấp. Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có khoảng 41 nhà máy đường, với công suất trung bình một nhà máy là 3.250 tấn mía/ngày, thấp hơn nhiều so với công suất trung bình của một nhà máy ở Thái Lan, Ấn Độ, Brazil là 7.000- 8.000 tấn mía/ngày. Hiện cả nước có khoảng 300.500 ha diện tích trồng mía nhưng tỷ lệ cơ giới hóa trong canh tác mía chỉ đạt 10%-20% so với tỷ lệ 80%-90% của các nước sản xuất đường lớn trên thế giới.

Không chỉ năng suất mía trung bình Việt Nam (65 tấn mía/ha), thấp hơn thế giới 70 tấn mía/ha, tỷ lệ chữ đường trong mía của Việt Nam cũng khá thấp chỉ đạt khoảng 10% trong khi Thái Lan là 12,9%.

Việc sản xuất phụ phẩm sau đường tại Việt Nam cũng chưa được khai thác đúng mức để giảm giá thành sản xuất. Tại Việt Nam hiện mới chỉ có 8 nhà máy đường có thể hòa lưới điện quốc gia và chỉ có 3 nhà máy sản xuất ethanol từ mật rỉ.

Chỉ ra những khó khăn đầy rẫy trong ngắn và dài hạn đối với ngành mía đường, song CTCK Bản Việt có nhìn nhận khá tích cực với một số công ty mía đường đã tăng năng lực sản xuất cạnh tranh và trong điều kiện ngành mía đường hiện vẫn được bảo hộ thông qua hạn ngạch và thuế quan. Đó là CTCP Đường Ninh Hòa sáp nhập vào CTCP Đường Biên Hòa, CTCP Mía đường nhiệt điện Gia Lai sáp nhập vào CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh.

CTCK Bản Việt cũng nhìn nhận giá đường thế giới tăng trong thời gian qua không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu các nhà máy, do về cơ bản cung - cầu trong nước không bị biến động, ngoại trừ CTCP Đường Biên Hòa sẽ được hưởng lợi nhiều hơn do công ty này có hệ thống phân phối bán lẻ tốt hơn.

Tuy nhiên, nhìn về dài hạn theo phân tích của CTCK Bản Việt, “Triển vọng ngành mía đường kém khả quan khi tiến trình hội nhập không thể chờ đợi”. Bởi bên cạnh những yếu kém hiện tại diện tích vùng nguyên liệu đang suy giảm sẽ gây thiếu nguyên liệu sản xuất và đẩy giá thành sản xuất tại các nhà máy tăng cao hơn.

Trong khi đó, những bảo hộ của ngành đường đang mất dần. Theo Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN (AFTA), năm 2018 ngành đường Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn cho đường của các nước ASEAN vào. Điều này đồng nghĩa đường nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam sẽ chỉ ở mức thuế 5% và không phải chịu hạn ngạch thuế quan. Khi đó đường Thái Lan có thể chính thức vào Việt Nam với số lượng không bị hạn chế ở mức thuế suất thấp.

Chưa kể nếu TPP chính thức được ký kết, Việt Nam sẽ phải dỡ bỏ hoàn toàn thuế trong hạn ngạch cho các mặt hàng đường nhập khẩu trong vòng 11 năm. Khi đó, ngành đường trong nước sẽ phải đối mặt với các quốc gia sản xuất mía đường lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Mexico và Úc.

Dự thảo Nghị định về sản xuất và kinh doanh mía đường đang được Bộ NN&PTNT và Hiệp hội Mía đường Việt Nam đưa ra lấy ý kiến, hướng tới bảo vệ lợi ích cho người nông dân nhiều hơn, nhằm ổn định nguồn nguyên liệu cho ngành mía đường. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc tăng thêm áp lực cho các nhà máy đường khi phải mua mía nguyên liệu với giá cao hơn.

Lối thoát duy nhất cho ngành đường đó là cải tiến phương thức và quy mô sản xuất. Tuy nhiên, cuộc chuyển đổi đó không dễ dàng bởi bên cạnh việc đối mặt với áp lực cạnh tranh trước Thái Lan, các nước ASEAN và TPP trong vài năm tới, quá trình thâu tóm, sáp nhập, mở rộng quy mô hoạt động nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trước hội nhập, sẽ gây áp lực lên thu nhập cho cổ đông trong thời gian tới.

Hoàng Hoa (thời báo Ngân Hàng online)