Ông Nguyễn Viết Quảng (Nghệ An) đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn tình huống như sau:
Một doanh nghiệp A, thuê đất của UBND tỉnh để làm nhà máy công nghiệp và khu đất mà doanh nghiệp A thuê thuộc đất của huyện ông Quảng.
Trong quá trình san lấp, giải phóng mặt bằng khu đất của doanh nghiệp A có vướng đường lưới điện 0.4kV và 35kV của điện lực. Doanh nghiệp A đề nghị UBND tỉnh di dời đường điện ra khỏi khu đất mà doanh nghiệp A đang thuê.
Theo đó, UBND tỉnh đã có công văn về việc huyện ông Quảng là chủ đầu tư và cho phép chỉ định thầu đơn vị thiết kế để thiết kế việc di dời đường điện ra khỏi khu đất. Nguồn vốn di dời nêu trên do doanh nghiệp A cấp 100% theo dạng tiền gửi về ngân hàng của chủ đầu tư để thực hiện.
Đến nay chủ đầu tư đã thực hiện xong việc thiết kế và thẩm định ở Sở Công Thương.
Ông Quảng hỏi, đến quá trình lựa chọn nhà thầu thi công thì đơn vị ông có được phép chỉ định thầu thi công không, hay vẫn thực hiện việc đấu thầu như bình thường? Gói thầu sau khi thẩm định xong có giá trị trên 2,3 tỷ đồng và nguồn vốn không phải vốn ngân sách hay vốn đầu tư công.
Theo như ông Quảng hiểu, căn cứ Điều 22 Luật Đấu thầu thì công trình được chỉ định thầu là công trình hạ tầng kỹ thuật về việc di dời giải phóng mặt bằng. Vậy, đơn vị ông lựa chọn nhà thầu thi công gói thầu này theo hình thức nào?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Điểm đ, Khoản 1, Điều 22 Luật Đấu thầu quy định một trong những trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu là gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình.
Theo đó, trường hợp công trình cần di dời (để giải phóng mặt bằng) do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý và đơn vị này có đủ năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu để thực hiện công tác di chuyển công trình thì được áp dụng hình thức chỉ định thầu cho đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý theo quy định nêu trên.