Xâm phạm chỗ ở của người khác bị xử phạt thế nào?

Luật gia Đỗ Thị Hoa, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:

Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội xâm phạm chỗ ở của người khác như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ

 

c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;

d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 2 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Khoản 31 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 158 như sau:  “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: 

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; 

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; 

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác”.

Như vậy, hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác có thể bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật đã trích dẫn ở trên.

Theo ĐỖ HOA(Báo Lao động)