Vì sao bản án tù thường ghi tháng mà không phải là năm?

Tôi đọc thông tin về các phiên tòa, thấy mức án dành cho bị cáo thường là tháng tù. Ví dụ, thời gian thi hành án ghi là 6, 12, 24, 36, 42... quy ra tháng mà không để là năm.

Tôi mong được giải đáp.

Luật sư trả lời:

Theo Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015, hình phạt tù có thời hạn sẽ buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định.

Nhiều tội trong Bộ luật hình sự có mức khởi điểm là 3 tháng và đây cũng là mức tối thiểu của hình phạt tù. Tuy nhiên, trên phương diện lập pháp, nhà làm luật không sử dụng cụm từ một "quý" để thay cho 3 tháng, hay từ "rưỡi" để thay cho 6 tháng bởi các thuật ngữ pháp lý phải mang tính phổ biến, mọi vùng miền đều thống nhất một cách hiểu duy nhất. Do vậy, khoảng thời gian 2 năm rưỡi sẽ được diễn đạt là 2 năm 6 tháng hoặc 30 tháng.

Trong hoạt động tố tụng, Viện kiểm sát lúc luận tội hoặc khi tòa ra bản án, nếu mức hình phạt đưa ra tròn năm (2 năm, 3 năm...) có hai cách diễn đạt là theo năm hoặc theo tháng (48 tháng hoặc 4 năm). Thông thường, hình phạt được diễn đạt theo tháng khi nó không quá 5 năm (60 tháng). Nếu hình phạt không tròn năm thì phải diễn đạt theo tháng (1 năm 3 tháng hoặc 15 tháng).

Ngoài ra, khi đề cập một khoảng thời gian thì thông thường sử dụng thống nhất một đơn vị thời gian là tháng hoặc năm để người nghe dễ hiểu. Ví dụ, Viện kiểm sát sẽ nêu "đề nghị tuyên phạt bị cáo từ 30 tháng đến 36 tháng tù giam", thay vì diễn đạt là từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm.

Luật sư Vũ Tiến Vinh
Giám đốc Công ty Luật Bảo An, Hà Nội

Theo VnExpress