Ông Tùng hỏi, ông có toàn quyền sử dụng đất, sở hữu nhà mà bố mẹ ông để lại hay không?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Khoản 1, Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai quy định, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.
Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
- Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;
- Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
- Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
- Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Theo ông Trịnh Huy Tùng phản ánh, lúc còn sống, bố, mẹ ông có làm thủ tục sang tên toàn bộ giấy tờ đất đai, nhà cửa đứng tên ông Tùng, nhưng không nêu rõ bố mẹ ông chuyển quyền sử dụng đất, sở hữu nhà cho ông theo hình thức nào, chuyển nhượng hay tặng cho? Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho có được công chứng hoặc chứng thực không? Sau khi được bố mẹ chuyển nhượng hay tặng cho, ông Tùng đã đăng ký biến động quyền sử dụng đất sang tên ông chưa?
Nếu bố, mẹ ông Tùng thực hiện giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, sở hữu nhà cho ông Tùng không đúng quy định về hình thức, nội dung, chủ thể, thì giao dịch đó vô hiệu. Do bố, mẹ ông Tùng khi chết không để lại di chúc, nên các anh em ruột có quyền yêu cầu chia di sản theo pháp luật.
Nếu bố, mẹ ông Tùng khi lập hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, sở hữu nhà cho ông Tùng, có công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã; ông Tùng đã đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai và đã đứng tên người sử dụng đất, sở hữu nhà trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất thì ông Tùng có quyền sử dụng đất, sở hữu nhà mà bố mẹ ông đã chuyển quyền cho ông theo hợp đồng.
Cho dù khi chết bố mẹ ông Tùng không để lại di chúc, thì anh em của ông Tùng cũng không thể yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật được, vì khi chết bố, mẹ ông Tùng không còn tài sản để lại.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Theo baochinhphu.vn