Làng "nhiều không"
Chỉ cách trung tâm huyện Phú Thiện chưa đầy 4km nhưng mấy chục năm nay cuộc sống của người dân ở điểm dân cư Suối Cạn thuộc thôn Thắng Lợi 4 (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) vẫn trong tình trạng: Không điện, không đường, không đất sản xuất, không nước sạch, nhà cửa ọp ẹp…
Không đất sản xuất, không có việc làm nên cả làng đành ở nhà. Ảnh: T.H
"Hiện tại, trước khi di dời, chúng tôi vẫn sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình nhu cầu của người dân và rà soát chính xác đối tượng hộ nghèo. Đồng thời chúng tôi cũng đang lồng ghép các chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình để tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, nhằm giảm thiểu vấn nạn tảo hôn…”. (Ông Phạm Văn Quyến - Chủ tịch UBND xã Ia Sol) |
Điểm dân cư gần như 100% hộ dân thuộc diện hộ nghèo, 30 ngôi nhà được làm trên diện tích vỏn vẹn chỉ 1 sào đất, nhiều ngôi nhà đã ọp ẹp, rách nát. Có đến 75 đứa trẻ ở độ tuổi từ 0-14 tuổi, tuy nhiên chỉ có khoảng 15 đứa được đi học - nhưng cũng chẳng mấy đứa biết chữ vì hôm đi, hôm bỏ (đơn giản là đi học thì không ai làm cho ăn).
Ông Siu Thúc (52 tuổi) là 1 trong 3 người biết chữ ở điểm dân cư Suối Cạn kể lại: “Làng này được hình thành từ năm 1991, khi bà Siu HKét ôm con bỏ làng ở thị trấn Phú Thiện vào đây dựng lều tạm kiếm cái ăn vì chồng mất và nhà không có đất sản xuất. Rải rác từ đó đến năm 2002 có thêm 15 hộ dân ở thị trấn Phú Thiện chuyển vào ở cùng bà Siu HKét. Từ đó đến nay, thanh niên trong làng lấy nhau nâng tổng số hộ lên 32. Đất này trước đây của bà HKét, khi mọi người kéo vào đây ở, bà HKét thương nên cho mỗi người một ít đất với chiều rộng khoảng 4m, dài 20m làm nhà ở. Có người được bà HKét cho không, có người đổi cho bà một ít rượu hay thức ăn. Đến năm 2010, chính quyền xã Ia Sol vào tìm hiểu và làm hộ khẩu mới. Hiện có 22 hộ có hộ khẩu thuộc xã Sol, còn 8 hộ chưa làm được hộ khẩu”.
Tất cả người dân trong làng, từ già tới trẻ đều trông vào làm thuê để kiếm sống bởi không có đất sản xuất. Nhiều thanh niên muốn đi xa làm thuê nhưng vì không biết chữ nên đành ở nhà.
Tâm sự với chúng tôi, anh Ksor Bin (30 tuổi) bộc bạch: “Tôi cũng muốn đi lên thành phố làm ăn vì ở đây không phải khi nào cũng được thuê. Cả tháng trời ở nhà, nghèo lại càng nghèo nhưng không biết chữ cũng đành chịu. Giờ muốn cho con cái học để không như bố mẹ, nhưng khó lắm, cơm ăn hàng ngày còn không đủ mà…”.
Tảo hôn, đông con và mù chữ
11 đứa trẻ con của chị Rmah HTết không một đứa nào được đi học. Ảnh: Trần Hiền
Dù mới 8 tuổi, bé Nay HDon đã phải đi làm phụ giúp bố mẹ để có thêm tiền ăn cho các em. Trong điểm dân cư này, bình quân mỗi gia đình có tới 5 người con. Đặc biệt, 3 người phụ nữ mới 40 tuổi đã có tổng cộng đến 30 đứa con và đều sinh tại nhà. Xót xa hơn, trong số 30 đứa trẻ này chẳng mấy đứa được đi học, đứa từng được đi học cũng chỉ dừng lại ở lớp 5. Bây giờ đứa nhỏ thì ở nhà trông em, đứa lớn thay bố mẹ lên rẫy.
Dù chỉ mới bước sang tuổi 40, nhưng chị Rmah HTết đã có đến 11 người con, đứa lớn nhất sinh năm 2003, nhỏ sinh năm 2018. Trong nhà còn có mẹ già của chị Tết. Cả gia đình có đến 14 miệng ăn, nhưng đất sản xuất không có, hàng ngày hai vợ chồng phải cật lực làm thuê từ sáng đến tối mà vẫn không đủ ăn. Trong căn nhà tuềnh toàng, ọp ẹp của chị HTết cũng chẳng có gì giá trị ngoài mấy bộ quần áo rách rưới, cánh cửa cũ kỹ sắp sập.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn những cặp vợ chồng ở điểm dân cư Suối Cạn đều chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Điển hình như trường hợp của em Sơ Ni, SN 1999 nhưng đã lấy vợ và có con 2 tuổi. Hay như trường hợp của em Rơ Châm HHương (SN 2004) mới cưới chồng tháng 6.2018.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình điểm dân cư Suối Cạn, ông Phạm Văn Quyến - Chủ tịch UBND xã Ia Sol cho biết: “Đất ở khu vực này là đất nông nghiệp, không phải đất ở. Đây là điểm dân cư tự phát, trước đây chủ yếu họ ở thị trấn Phú Thiện. Những hộ dân dựng nhà ở điểm dân cư Suối Cạn chủ yếu là người dân tộc thiểu số, khó khăn về đất ở, một số người sản xuất thua lỗ…”.
Theo ông Quyến, hàng năm, vào những ngày lễ tết, chính quyền cũng hỗ trợ gạo cho bà con ở Suối Cạn. Một số chương trình của tỉnh thì có hỗ trợ phân bón nhưng vì không có đất sản xuất nên nhiều người lấy phân bón đổi gạo. Ngoài ra, một số chính sách được chính quyền áp dụng như hỗ trợ nuôi bò, cho vay vốn phát triển kinh tế.
“Vấn đề học tập của các cháu nhỏ xã cũng thường xuyên thống kê, nắm bắt tình hình tuyên truyền và vận động các cháu đến trường. Tuy nhiên, ở đây người dân còn nghèo chủ yếu là dân tộc thiểu số, nhận thức còn nhiều hạn chế. Huyện cũng đã có chủ trương sắp xếp vận động bà con di dời ra bên ngoài, đảm bảo để người dân được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi” - ông Quyến cho hay.
Theo Dân Việt