Theo phản ánh của ông Trần Quốc Hớn, đại diện cho 20 công chức, viên chức ngành giáo dục tại tỉnh Quảng Bình, năm 2003 và 2004 tỉnh Quảng Bình có chủ trương huy động cán bộ công chức, viên chức của tỉnh tham gia nghĩa vụ quân sự, dạy xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc, hưởng phụ cấp của binh nhất, binh nhì. Sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ mọi người được về đơn vị cũ làm việc, nhưng 2 năm trên không được đóng BHXH.
Ông Hớn hỏi, ông và mọi người không được đóng BHXH trong 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự là đúng hay sai? Có ảnh hưởng đến sau này không? Nếu đóng BHXH thì ai đóng?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng trả lời như sau:
Tại Khoản 2 Điều 3 Chương I Điều lệ BHXH đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan binh sĩ quân đội nhân dân và công an nhân dân, ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 5/7/1995 của Chính phủ hướng dẫn và quy định như sau: Đối với quân nhân, công an nhân dân thuộc diện hưởng sinh hoạt phí (bản thân không phải đóng BHXH) được hưởng hai chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp và chế độ tử tuất.
Tại điểm 2 Công văn số 993/BHXH ngày 26/4/2002 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tính thời gian công tác hưởng BHXH đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội sau 15/12/1993 quy định: Kể từ ngày 1/1/1995 trở đi theo quy định tại Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam và công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ hưởng sinh hoạt phí bản thân không phải đóng BHXH. Do vậy, thời gian phục vụ tại ngũ không được tính để hưởng BHXH.
Đối chiếu với các quy định trên, thì năm 2003 và năm 2004 ông Trần Quốc Hớn và các bạn của ông là hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự, thuộc diện hưởng sinh hoạt phí không phải đóng BHXH, thời gian này không được tính là thời gian công tác có tham gia đóng BHXH để tính hưởng BHXH.
Theo Chinhphu.vn