TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội thảo “APEC 2011- Cơ hội mới của Việt Nam” |
Chủ tịch VCCI khẳng định, tham gia vào APEC, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường và trong khuôn khổ APEC cũng có nhiều cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp. Do vậy, đây là cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt cơ hội.
TS Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, thông qua mạng lưới của hiệp hội tài chính trong khu vực, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
“Đặc biệt chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu nên vốn tín dụng hỗ trợ sẽ là nguồn bổ sung tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ nắm bắt được rất nhiều thông tin quý giá trong kinh doanh thông qua APEC. Nếu doanh nghiệp biết cách tiếp cận sẽ rất hữu ích cho việc kinh doanh” - ông Lộc nói.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, vẫn còn quá nhiều những thách thức khi Việt Nam tham gia APEC. Ngoài hạn chế về vốn, công nghệ…thì khoảng cách về văn hóa kinh doanh, trình độ quản trị kinh doanh cũng cần phải được thu hẹp hơn nữa. Có như vậy mới có thể tạo ra công nghệ, vốn và các yếu tố khác phục vụ cho sự phát triển.
Trao đổi bên lề hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, được sự đồng ý của Chủ tịch nước, VCCI sẽ tổ chức một đoàn doanh nghệp khá đông đảo để tháp tùng Chủ tịch nước sang dự hội nghị cấp cao APEC. Tại các diễn đàn lớn của APEC, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào Hội đồng tư vấn kinh doanh của APEC, tham gia vào các cuộc đối thoại của Hội đồng tư vấn kinh doanh của APEC với các nguyên thủ của các nền kinh tế APEC nhằm trao đổi về những vấn đề hợp tác kinh tế khu vực. Ngoài ra, VCCI cũng sẽ tổ chức một Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ. Tại diễn đàn này, doanh nghiệp hai nước sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với Hoa Kỳ trong thời gian sắp tới. Trong nội dung trao đổi hợp tác đó sẽ quan tâm rất nhiều đến quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (hay gọi tắt là APEC) là một tổ chức kinh tế hàng đầu khu vực, được thành lập nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế thông qua tăng cường thương mại, đầu tư trong khu vực, hợp tác giải quyết các vấn đề kinh tế vì sự phồn thịnh lâu dài của các nước thành viên. Từ một tổ chức bao gồm 12 thành viên được thành lập năm1989, cho đến nay APEC đã thu hút được sự tham gia của 21 nền kinh tế trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, với quy mô kinh tế chiếm đến 55% tổng giá trị GDP toàn cầu và 43% kim ngạch thương mại thế giới. Việc tham gia vào APEC – tổ chức kinh tế được đánh giá là năng động nhất toàn cầu, đã mang lại nhiều lợi ích cho các nước thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng. Năm năm trước, APEC 2006 tổ chức tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cho Việt Nam và đóng góp một phần quan trọng trong việc hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập WTO với Hoa kỳ Năm 2011 Hoa Kỳ - nước chủ nhà APEC, một trong những thành viên sáng lập APEC chủ trương đẩy APEC lên một tầm cao mới. Nước chủ nhà đã xây dựng và triển khai một chương trình nghị sự tham vọng, hướng tới nhiều kết quả cho APEC 2011. Theo đó, ngoài việc triển khai các nội dung hợp tác thuộc thương mại truyền thống, APEC tiếp tục xem xét, thảo luận và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực thương mại thuộc thế hệ mới (Next Generation Issues), như: (i) Hội nhập kinh tế khu vực, trong đó tập trung vào việc cải thiện hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu và hỗ trợ DNNVV tham gia vào chuỗi cung ứng này; (ii) Tăng trưởng xanh, trong đó thúc đẩy tự do hóa trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường và tăng cường phổ biến, chuyển giao công nghệ về hàng hóa và dịch vụ môi trường; và (iii) hợp tác về hài hòa chính sách thông qua việc thúc đẩy thực hiện các thông lệ tốt về chính sách. Hội nghị thượng đỉnh cấp cao APEC 2011 sẽ nhóm họp tại Hawaii, Honolulu, Hoa Kỳ vào tháng 11/2011. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều khó khăn, việc tăng cường giao thương giữa các nước cũng như cùng hợp tác giải quyết các vấn đề kinh tế để vượt qua khủng hoảng sẽ mở ra một cơ hội mới cho tất cả các thành viên APEC trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững. |
Hồ Hường