Hội nghị Ban Chấp hành VCCI lần thứ 7, khóa V : Gắn kết và hài hòa

Hội nghị Ban Chấp hành VCCI lần thứ 7, khóa V vừa diễn ra tại Hà Nội. Bên cạnh các vấn đề vốn, lãi suất, các vấn đề “nóng” như: quan hệ lao động, tiền lương, chất lượng nguồn nhân lực... đã được các uỷ viên BCH VCCI đưa lên bàn nghị sự với mong muốn VCCI, với chức năng của mình sẽ cùng DN kiến nghị với Nhà nước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Thời gian tới, Ban chấp hành VCCI sẽ phối hợp chặt chẽ với các đại biểu Quốc hội là doanh nhân để phản ánh các ý kiến, kiến nghị chính đáng của giới doanh nhân tới diễn đàn Quốc hội.

Nhiều DN cho rằng vấn đề quan hệ lao động chưa hài hoà, quyền lợi của người lao động chưa thoả đáng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các cuộc đình công gần đây.

Quan hệ lao động còn nhiều tồn tại

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Tổng giám đốc Saigon Co.op mart, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đang xảy ra nhiều vụ đình công, nhất là tại các DN FDI. Để giải quyết vấn đề này, vai trò của VCCI rất quan trọng. VCCI cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò bảo vệ, chỗ dựa của giới chủ. Đồng thời đưa ra các đề xuất, giải pháp, đặc biệt cần làm việc cụ thể với các DN FDI để cải thiện mối quan hệ lao động trong DN, trong đó có chính sách tiền lương cho người lao động, bởi phần lớn các cuộc đình công đều xuất phát từ nguyên nhân này.

“Thực tế cho thấy, nhiều DN FDI rất quan tâm tới đời sống người lao động. Khi xây dựng khu công nghiệp họ làm nhà trẻ, chỗ ăn ở, chợ... cho công nhân, thậm chí còn mời cả siêu thị chúng tôi vào phục vụ bán hàng cho công nhân. Tôi cho rằng, VCCI cần khảo sát các mô hình này để kiến nghị với Chính phủ, các địa phương. Từ đó, cần tạo cơ chế hoàn chỉnh chăm lo cho người lao động khi các DN vào đầu tư” - bà Hạnh nhấn mạnh.

Đại diện một DN cho rằng, lương cơ bản không nên một năm thay đổi vài lần như hiện nay, thang bảng lương cũng nên thống nhất cả khu vực DN FDI và DN trong nước. Bên cạnh đó, nên xây dựng theo cốt giá sinh hoạt của người lao động, vì hiện lương cơ bản đa số các DN chỉ dùng để đóng bảo hiễm xã hội và bảo hiểm y tế, không đủ sinh hoạt cho người lao động.

Trong khi đó, quan điểm bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Seabank cho rằng: “Chuyện tiền lương phải giải quyết từ gốc chứ không phải là ngọn. Nhà nước không cần phải điều chỉnh tăng lương liên tục, bởi thực tế, nếu DN không trả lương phù hợp với thực tế thị trường thì chẳng ai làm việc cho DN. Mặt khác, mỗi khi rục rịch tăng lương là giá cả thị trường lại ăn theo, tăng giá liên tục, điều này chỉ làm cho lạm phát cao hơn. DN chúng tôi không đưa ra việc điều chỉnh lương mà chỉ có cơ chế phụ cấp cho người lao động khi giá cả thị trường tăng, bản thân DN cũng không thể thay đổi mức lương liên tục được”.

Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Giày da VN nhận định: Khi manh nha vấn đề đình công, người sử dụng lao động ở các DN trong nước có thể quyết định và xử lý được ngay. Trong khi đó, các “ông chủ” ở DN FDI phần lớn là người làm thuê nên mọi quyết định đều phải xin ý kiến các Cty mẹ, nhất là các vấn đề liên quan đến tiền lương. Đó cũng là một trong những lý do tại sao họ không phản ứng kịp thời khi xảy ra đình công.

Sát cánh cùng DN

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, thời gian tới, Ban chấp hành và Ban Thường trực VCCI sẽ phối hợp chặt chẽ với các đại biểu Quốc hội là doanh nhân để phản ánh các ý kiến, kiến nghị hợp lý, chính đáng của giới doanh nhân tới diễn đàn Quốc hội. Bên cạnh đó, Hội đồng trung ương các Hiệp hội DN VN cũng là một kênh hiệu quả để chuyển tải tiếng nói của các DN tới các cơ quan liên quan.

Chủ tịch VCCI cũng đề nghị các chủ DN FDI tham gia tích cực vào Hội đồng người sử dụng lao động của các hiệp hội DN để có tiếng nói và nỗ lực chung xây dựng quan hệ lao động hài hòa, hạn chế các tranh chấp lao động.

Sắp tới, VCCI cũng sẽ hướng dẫn thành lập Hội đồng người sử dụng lao động ở các khu công nghiệp để tăng cường thực hiện cơ chế đối thoại và hợp tác với tổ chức công đoàn ở KCN, KCX .

Về vấn đề tăng cường quan hệ của VCCI với các bộ ngành, tiếp theo thành công của việc nghiên cứu và công bố chỉ số PCI, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, sắp tới VCCI sẽ tiến hành khảo sát ý kiến các Hiệp hội DN về chất lượng của việc xây dựng và thực hiện các văn bản pháp luật có liên quan đến DN của các bộ, ngành. 

Xung quanh vấn đề vốn, VCCI nhận định: Khó khăn trong tiếp cận vốn là khó khăn “thuộc tính” của khu vực DNNVV ở tất cả các nền kinh tế. Năng lực xây dựng dự án của các DNNVV còn nhiều hạn chế, thiếu tài sản thế chấp... là những nguyên nhân xuất phát từ phía DNNVV khiến cho họ khó tiếp cận vốn. Về phía ngân hàng, chi phí giao dịch để cho nhiều DNNVV vay (thay vì cho một dự án lớn) cũng cao hơn, thiếu nguồn vốn dài hạn để cho vay cộng với việc thiếu kỹ năng phát triển sản phẩm phù hợp với khách hàng DNNVV là các nguyên nhân khiến DNNVV lại càng khó khăn hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2011, vấn đề vốn cho DNNVV lại càng khó khăn hơn do bị dồn ép từ lâu không giải quyết được cộng thêm các khó khăn do những bất ổn của kinh tế vĩ mô của nền kinh tế làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN. VCCI sẽ sát cánh cùng DN kiến nghị các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, trở ngại đó.

Nghị quyết:
Hội nghị ban chấp hànhPhòng Thương mại và Công nghiệp VN lần thứ 7, khoá V

Ngày 14 tháng 7 năm 2011, Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) khóa V đã tổ chức hội nghị thường kỳ lần thứ 7 tại Hà Nội để thảo luận về hoạt động của VCCI, về tình hình thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ và kiến nghị của DN, chương trình hành động của VCCI thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và một số vấn đề quan trọng khác.

Hội nghị quyết nghị:

I- Thông qua Báo cáo thực hiện nhiệm vụ công tác của Phòng Thuơng mại và Công nghiệp VN 6 tháng đầu năm và kế hoạch nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2011; Báo cáo của Ban Kiểm tra; Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và kiến nghị của doanh nghiệp; Chương trình hành động của VCCI thực hiện Nghị quyết Đại hội XI. Giao cho Ban Thường trực tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội nghị và ý kiến tổng kết của chủ trì hội nghị xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2011; Xây dựng bản kiến nghị về các vấn đề kinh tế và doanh nghiệp trình Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội.

II- Về kế hoạch, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2011: Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; đổi mới công tác tập hợp ý kiến doanh nghiệp xây dựng chính sách, pháp luật theo hướng tập trung vào việc tập hợp và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, vướng mắc cho doanh nghiệp, các vấn đề cụ thể, thiết thực của cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng pháp luật của VCCI, chú trọng các vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong giai đoạn kiểm soát thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, giao thông vận tải, quan hệ lao động; xây dựng và trình Chính phủ chương trình đào tạo doanh nhân, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc, nhất là cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp...; phát huy hơn nữa vai trò tập hợp, liên kết doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, chủ động phối hợp với các cấp chính quyền hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thành lập và hoạt động có hiệu quả, xây dựng quan hệ lao động hài hòa và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội; tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường xuất khẩu mới, chuyển giao công nghệ, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp, đối phó hiệu quả với các rào cản thương mại, minh bạch hóa trong hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường khu vực nông thôn nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp VN chiếm lĩnh thị trường nội địa, tổ chức các Diễn đàn kinh tế theo vùng trọng điểm.

Tích cực tham mưu, đề xuất để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về doanh nhân và xây dựng, tổ chức triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết sau khi nghị quyết được ban hành.

III- Thông qua tờ trình thay đổi nhân sự của BCH VCCI khóa V, cụ thể như sau:

- Đồng ý để các đồng chí Hồ Thị Kim Thoa, Nguyễn Thanh Chủy, Nguyễn Nhật thôi là Ủy viên Ban Chấp hành VCCI

- Bổ sung đồng chí Vũ Bá Ổn, phó tổng giám đốc TCty thép VN; đồng chí Hồ Quỳnh Hưng, Tổng giám đốc Cty cổ phần bóng đèn Điện Quang; đồng chí Phạm Thị Thu Hằng - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV kiêm  Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI vào Ban Chấp hành VCCI

- Đồng ý để đồng chí Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VCCI thôi kiêm Tổng thư ký VCCI để tập trung vào công tác của Phó Chủ tịch

- Bầu đồng chí Phạm Thị Thu Hằng - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV kiêm Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp giữ chức Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN khóa V

III. Thông qua tờ trình về tổ chức hoạt động của Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp toàn quốc, cụ thể như sau:

- Đổi tên Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp thành Hội đồng trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp VN

- Công nhận các Chủ tịch Hiệp hội chuyên ngành ở trung ương và Hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh, thành là ủy viên của Hội đồng trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp VN

- Cử ông Hoàng Văn Dũng và ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI làm Phó Chủ tịch Hội đồng

- Cử ông Đỗ Quý Dũng - Chủ tịch Hội đồng kinh doanh VN - Thổ Nhĩ Kỳ làm phó Tổng thư ký Hội đồng

Nghị quyết đã được hội nghị Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp VN lần thứ 7, khoá V thông qua vào hồi 12 h 00 ngày 14 tháng 7 năm 2011.

Quốc Anh