Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành, vừa qua, HĐND TP. Hải Phòng đã ban hành nghị quyết (số 08/2018/NQ-HĐND) phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
Theo đó, nghị quyết phân cấp thẩm quyền quyết định về mua sắm, thuê, xử lý tài sản công như: thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy, tài sản công bị mất, bị hủy hoại; xử lý tài sản phục vụ hoạt động của dự án; xác lập sở hữu nhà nước về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập sở hữu nhà nước,… áp dụng đối với cơ quan nhà nước; các tổ chức; đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố.
Các loại tài sản công thực hiện phân cấp quản lý, xử lý gồm: trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; tài sản là xe ô tô phục vụ công tác, xe ô tô chuyên dùng, xe mô tô, tàu thuyền, xuồng; tài sản, thiết bị thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung; tài sản là máy móc, thiết bị và các tài sản khác.
Về phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công: Chủ tịch UBND thành phố được quyết định mua sắm đối với tài sản là: trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, phương tiện vận chuyển, tài sản khác có giá trị tài sản nguyên giá từ 3 tỷ đồng trở lên/đơn vị tài sản sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực HĐND thành phố; tài sản, thiết bị thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung; tài sản có giá trị nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị đến dưới 3 tỷ đồng/1 đơn vị tài sản.
Chủ tịch UBND quận, huyện được quyết định mua sắm tài sản khác thuộc phạm vi quản lý có giá trị nguyên giá dưới 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của thường trực HĐND cùng cấp.
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở, ban, ngành, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp huyện được mua sắm tài sản nguyên giá dưới 100 triệu đồng/1 đơn vị tài sản.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư thì người đứng đầu quyết định mua sắm tài sản (trừ cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp và từ nguồn vốn vay, vốn huy động theo chế độ quy định để phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp và hoạt động kinh doanh của đơn vị.
Đối với từng nội dung, nghị quyết cũng phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm cho từng thủ trưởng cơ quan, tổ chức đơn vị nhằm đảm bảo nguyên tắc: việc quản lý tài sản công được thực hiện theo đúng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; đảm bảo người, tổ chức nào quyết định mua sắm thì người đó, tổ chức đó thực hiện thuê, xử lý tài sản công và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong việc thực hiện các quy định quản lý tài sản công.
Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2018.
Hiện nay đã có một số tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết về phân cấp, quản lý tài sản công thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đây là một bước tiến quan trọng nhằm quản lý, sử dụng tài sản công một cách hiệu quả./.