Thiết bị có giá cao hơn đơn giá được duyệt, xử lý thế nào?

Căn cứ kết quả thẩm tra, Công ty ra quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế dự toán 1.984.000.000 đồng.

Sau khi có kết quả trúng thầu, gói thầu có giá trị thấp hơp giá trị phê duyệt (1.960.000.000 đồng) và hợp đồng theo hình thức trọn gói. Nhà thầu thực hiện theo đúng hợp đồng và thực hiện đề nghị thanh toán.

Khi thẩm tra quyết toán, đối chiếu với đơn giá phê duyệt của Sở Tài chính thì trong đó có một số thiết bị có giá cao hơn giá phê duyệt, nhưng kết quả trúng thầu thấp hơn giá trị được duyệt.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty CP Cấp nước tỉnh Lào Cai đề nghị giải đáp, trường hợp này các thiết bị có giá trị cao hơn giá trị của Sở Tài Chính thì phải giải quyết như thế nào?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời như sau:

Nội dung hỏi của Công ty CP Cấp nước tỉnh Lào Cai không cung cấp đầy đủ thông tin về gói thầu (nguồn vốn thực hiện, hình thức lựa chọn nhà thầu, thời điểm ký kết hợp đồng, nội dung thoả thuận trong hợp đồng,…), do đó, Bộ Tài chính không đủ cơ sở để trả lời cụ thể nội dung vướng mắc của Công ty.

Quy định pháp luật về hợp đồng trọn gói

Điểm a và d, Khoản 1, Điều 62 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định về hợp đồng trọn gói như sau:

“a) Hợp đồng trọn gói là hợp đồng có giá cố định trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Việc thanh toán đối với hợp đồng trọn gói được thực hiện nhiều lần trong quá trình thực hiện hoặc thanh toán một lần khi hoàn thành hợp đồng. Tổng số tiền mà nhà thầu được thanh toán cho đến khi hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng bằng đúng giá ghi trong hợp đồng…

d) Đối với gói thầu xây lắp, trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, các bên liên quan cần rà soát lại bảng khối lượng công việc theo thiết kế được duyệt; nếu nhà thầu hoặc bên mời thầu phát hiện bảng số lượng, khối lượng công việc chưa chính xác so với thiết kế, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định việc điều chỉnh khối lượng công việc để bảo đảm phù hợp với thiết kế”.

Theo Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng:

- Điểm a, Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định: “Hợp đồng xây dựng có hiệu lực là cơ sở pháp lý cao nhất mà bên giao thầu, bên nhận thầu và các bên liên quan có nghĩa vụ thực hiện”.

- Điểm a, Khoản 3, Điều 15 quy định: “Giá hợp đồng trọn gói là giá hợp đồng không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng đối với khối lượng các công việc thuộc phạm vi hợp đồng đã ký kết, trừ trường hợp bất khả kháng và thay đổi phạm vi công việc phải thực hiện”.

Quyết toán dự án áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói

Quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói tại Thông tư số 09/2016/TT-BTCngày 18/1/2016 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước:

- Tại Điểm b, Khoản 3, Điều 15 quy định việc thẩm tra quyết toán đối với gói thầu hợp đồng theo hình thức giá hợp đồng trọn gói như sau:

“b) Thẩm tra đối với gói thầu hợp đồng theo hình thức “hợp đồng trọn gói”:

- Đối chiếu nội dung công việc, khối lượng thực hiện trong bảng tính giá trị đề nghị quyết toán A-B với biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành và các yêu cầu của hợp đồng để xác định khối lượng công việc hoàn thành đã được nghiệm thu đúng quy định;

- Đối chiếu đơn giá trong bảng tính giá trị đề nghị quyết toán A-B với đơn giá ghi trong bảng tính giá trị hợp đồng; khi nhà thầu thực hiện đầy đủ các yêu cầu, nội dung công việc, đúng khối lượng công việc hoàn thành và đơn giá ghi trong hợp đồng, bảng tính giá hợp đồng; thì giá trị quyết toán đúng bảng giá trọn gói của hợp đồng đã ký. Không chiết tính lại khối lượng cũng như đơn giá chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quyết định trúng thầu”.

Điểm a, Khoản 2, Điều 26 quy định trách nhiệm của nhà thầu: “… chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với số liệu và tính pháp lý đối với các tài liệu có liên quan trong hồ sơ quyết toán hợp đồng theo quy định”.

Tại Điểm c, Khoản 1, Điều 26 quy định trách nhiệm của chủ đầu tư: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan thẩm tra quyết toán về tính pháp lý của hồ sơ quyết toán và tính đúng đắn của số liệu đề nghị quyết toán; tính chính xác của khối lượng do chủ đầu tư và nhà thầu nghiệm thu đưa vào báo cáo quyết toán; tính phù hợp của đơn giá do chủ đầu tư và nhà thầu đã thống nhất ghi trong hợp đồng”.

Tại Điểm b, Khoản 5, Điều 26 quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán: “Tổ chức thẩm tra báo cáo quyết toán dự án hoàn thành đầy đủ nội dung, yêu cầu theo quy định: Hướng dẫn chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình quyết toán dự án hoàn thành; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả trực tiếp thẩm tra trên cơ sở hồ sơ quyết toán do chủ đầu tư cung cấp”.

Căn cứ vào các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, các Nghị định hướng dẫn và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu nêu trên; trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng; chủ đầu tư, nhà thầu và các bên có liên quan phải rà soát lại bảng khối lượng công việc theo thiết kế được duyệt, đồng thời, chủ đầu tư và nhà thầu chịu trách nhiệm về tính chính xác của khối lượng nghiệm thu đưa vào báo cáo quyết toán và tính phù hợp của đơn giá thống nhất ghi trong hợp đồng.

Việc thanh toán, quyết toán chi phí xây dựng đối với gói thầu hợp đồng theo hình thức hợp đồng trọn gói thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng trọn gói nêu trên.

Theo Chinhphu.vn