Đăng đàn tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018 với chủ đề: “Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0”, ông Denis Brunetti, Đồng Chủ tịch hội đồng tư vấn về phát triển bền vững và kỷ nguyên số, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Lào, Campuchia khẳng định, các doanh nghiệp sẽ gặp phải những rủi ro và thách thức trong kỷ nguyên số hóa.
“Các doanh nghiệp đầu tư nhiều và sẽ được hưởng lợi trong tương lai nhưng họ cũng sẽ gặp phải không ít những rủi ro. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đi đầu để áp dụng kỹ năng của doanh nghiệp số" - ông Denis Brunetti nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú Liên hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng: "Công nghệ 4.0 làm thay đổi cách thức sản xuất, hình thức sở hữu và quản trị của các nền kinh tế. Trong đó có xuất hiện các ngành, nghề mới. Tuy nhiên, tác động lớn nhất của cuộc cách mạng cũng đe doạ đến hàng triệu việc làm sẽ bị mất đi".
Điều này đòi hỏi các nền kinh tế phải có sự ứng phó kịp thời. Trong đó lựa chọn hướng đi về phát triển bền vững vào đào tạo nguồn lao động có nguy cơ bị thay thế bằng người máy, với những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu công việc mới.
Theo đó việc đào tạo người lao động hướng đến những kỹ năng ngày càng cao hơn, sử dụng kỹ thuật, máy móc công nghệ cao.
Ngoài ra, ông Kamal cũng đề xuất, để trở thành nền kinh tế dẫn đầu Việt Nam cần thực hiện quy trình ,chính sách hoà nhập toàn diện và bao trùm gắn với nhu cầu chung của xã hội, tạo việc làm và tạo được thu nhập cơ bản của mọi người.
Ở các nước trên thế giới họ đã đánh thuế vào việc sử dụng người máy để giảm thiểu việc sử dụng lao động robot, để giữ việc làm cho người lao động.