Ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết: Tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2015 giảm mạnh do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, sức mua của thị trường thế giới yếu, trong khi đó, các nhà nhập khẩu yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe, nhiều nước gia tăng rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước. Một vấn đề nữa rất đáng quan ngại, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, các cơ quan chức năng đã từng bước đơn giản hóa các thủ tục hành chính, doanh nghiệp nhanh chóng làm được chứng từ để xuất khẩu hàng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa có ý thức tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, thậm chí cố tình vi phạm. Việc này dẫn tới tình trạng nhiều lô hàng của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... khiến cho các nhà nhập khẩu hạn chế mua hàng từ thị trường Việt Nam.
Trong các mặt hàng thủy sản, xuất khẩu tôm khó khăn nhất vì sức mua giảm. Sự chênh lệch giữa tỷ giá đồng Việt Nam so với các mệnh giá khác khiến cho giá xuất khẩu ở các thị trường đều giảm. Thêm nữa, hầu hết các mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới, chỉ xuất khẩu dưới dạng thô, do đó với một mặt hàng nhưng mỗi nơi làm một kiểu khiến sản phẩm không theo chuẩn thống nhất, chất lượng không đều, nên giá bán đều thấp hơn so với các nước cùng xuất khẩu mặt hàng này như Thái Lan, Ấn Độ…
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn cho biết, giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2015 đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014. Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 19,28% tổng giá trị xuất khẩu, nhưng trong 7 tháng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này chỉ đạt 579 triệu USD, giảm 27,71% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản giảm 10,36% và Hàn Quốc giảm 7,39%. |
Chuyển từ xuất khẩu thô sang sản phẩm chế biến
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, để xuất khẩu các mặt hàng nông sản một cách bền vững, hiệu quả mang lại giá trị cao, ngành nông nghiệp phải tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thị trường tiêu thụ. Theo đó, chuyển dần từ việc tăng số lượng xuất khẩu sang sản xuất các sản phẩm có chất lượng và giá trị cao hơn. Các doanh nghiệp cần đầu tư về khoa học kỹ thuật để chuyển từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu các sản phẩm chế biến. Tập trung xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều để tạo uy tín cho sản phẩm này trên thị trường thế giới. Hiện nay, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, nhưng để người dân cũng như doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, thì các ngân hàng cần tạo điều kiện về thủ tục hành chính, các điều kiện cho vay vừa bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp, vừa bảo toàn vốn cho ngân hàng.
Một vấn đề không kém quan trọng là rà soát nhu cầu cũng như xu hướng tiêu dùng mặt hàng nông sản của người dân ở các thị trường, cơ chế; tìm hiểu rõ chính sách nhập khẩu của các nước và hàng rào kỹ thuật, trên cơ sở đó đàm phán với các nước để ký kết hợp đồng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu. Đồng thời, xem xét có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ ở các nước để quảng bá, giới thiệu và ký kết hợp đồng với nhà nhập khẩu. Hiện nay, một số thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam như Mỹ, các nước Châu Âu đang gặp khó khăn, nên các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác có lợi thế... Và quan trọng nhất là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không để tình trạng "con sâu bỏ rầu nồi canh" ảnh hưởng tới uy tín các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới…
Ngọc Quỳnh (Hà Nội Mới online)