Tồn kho lớn 

Mặc dù đã nỗ lực duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, nhưng với sự giảm sút về giá bán và gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của TKV trong 5 ngành nghề kinh doanh chính chỉ đạt trên 40.000 tỉ đồng (bằng 47,6% kế hoạch). Than vẫn là ngành nghề chính với tỉ trọng doanh thu lớn nhất từ tập đoàn này, nhưng đến cuối tháng 6, lượng than tồn kho tăng cao lên đến 8,2 triệu tấn than sạch.

Những nguyên nhân được lãnh đạo TKV đưa ra bàn tháo gỡ là: Giá bán than xuống thấp từ năm 2012 trở lại đây; Chính phủ yêu cầu giảm mạnh than xuất khẩu từ vài triệu tấn/năm xuống dưới 1 triệu tấn năm 2015 và tiến tới dừng hẳn; một số hộ tiêu thụ trong nước như ximăng, phân bón chuyển dần sang mua bên ngoài (kể cả nguồn trôi nổi) với giá thành thấp hơn của TKV; nhiều hộ ký hợp đồng nhưng không lấy theo tiến độ, một số khác nợ tiền kéo dài khiến TKV ngừng cung cấp. Tiên lượng trước sự cạnh tranh về giá bán, tiêu thụ than chậm, nhưng gần 6 tháng cuối năm, TKV vẫn đặt ra mục tiêu cả năm phải tiêu thụ 35 - 36 triệu tấn than.

Gỡ khó phải bắt đầu từ vấn đề nội bộ

Một trong những khâu sản xuất quan trọng quyết định vào giá thành hòn than là chi phí vật tư, lao động. Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn cho rằng, TKV mất quá nhiều thị phần bán hàng truyền thống là do giá không cạnh tranh. Giá bán than không tăng và tiếp tục phải giảm xuống trong vòng 5-7 năm tới, trong khi tác động chi phí sản xuất là chuyện lòng vòng mua bán vật tư, đơn giá thiết bị đôn giá cao.

Ông Chuẩn cũng chỉ ra một vụ việc cụ thể (ở Cty trong ngành) có sự thông đồng của cán bộ mua bán vật tư tại các đơn vị, làm sai lệch chỉ số kỹ thuật, gây thất thoát lớn dẫn đến chi phí sản xuất luôn cao.

Giá thành than cao tác động lớn đến thị phần khách hàng của TKV. Hiện, thị trường cung cấp than cho các nhà máy điện, xi măng phía nam TKV gần như đã mất hẳn bởi yếu tố giá bán.

“Dù không có đủ dữ liệu chính xác giá bán than nhập khẩu từ Indonesia và Australia cung cấp về đến các nhà máy điện phía nam, nhưng tôi chắc rằng chủng loại than cám 5 và 6 nhập khẩu sẽ rẻ hơn giá bán của TKV chở vào” - lãnh đạo một đơn vị thành viên khẳng định.

Để tìm đầu ra tiêu thụ và ổn định sản xuất, ban lãnh đạo TKV yêu cầu các đơn vị tiếp tục các giải pháp giảm tồn kho, cân đối, điều hành giảm một phần sản lượng của các tháng còn lại so với kế hoạch đầu năm, tiết giảm chi phí để cân đối được tài chính, ổn định thu nhập việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, TKV quyết tâm mạnh tay giải quyết những vấn đề hiện hữu, như: Năng suất thấp bởi người đông (dư thừa 8.000 lao động gián tiếp); chi phí sản xuất tăng cao do vật tư thiết bị đôn giá; thất thoát quản lý tài nguyên than từ chính trong nội bộ.

Chốt thời điểm di dời Nhà máy tuyển than Hòn Gai

Theo kế hoạch, việc di dời nhà máy trên ra khỏi khu vực nam Cầu Trắng, P. Hồng Hà phải hoàn thành trong năm 2015, nhằm đảm bảo môi trường cho vịnh Hạ Long và TP. Hạ Long.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, 3 năm qua, cả tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV) vẫn chưa thống nhất được địa điểm mới. “Trước đây nhà máy được di dời từ trung tâm TP ra nam Cầu Trắng, nay buộc phải di dời đi nơi khác, nhưng TKV chọn đi chọn lại vẫn loanh quanh ở TP. Chúng tôi đặt vấn đề với TKV, nếu cứ ở TP thì không được, phải đi nơi khác; còn không nên xem xét có cần thiết phải tồn tại nhà máy tuyển than đó không?” - ông Long cho biết. Vị trí được TKV ưu tiên lựa chọn tại khu vực làng Khánh, phường Hà Khánh ngay từ đầu đã bị dư luận phản ứng do nằm ngay đầu nguồn sông Cửa Lục đổ ra vịnh Hạ Long.

Dẫu vậy, sự tồn tại của nhà máy với khoảng 1.500 lao động sẽ được quyết định vào năm 2018. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu, từ nay tới thời điểm đó, ngành than phải nghiêm túc triển khai các giải pháp đảm bảo môi trường, như chấm dứt vận chuyển than bằng ôtô, có phương án chống bụi, xử lý nước thải, hạn chế bụi trong quá trình rót than xuống các phương tiện thủy, lắp đặt thêm hệ thống quan trắc môi trường tự động. Nguyễn Hùng

Trần Ngọc Duy (Lao Động online)