Chuyện kinh doanh của cựu Á hậu Singapore

“Chúng tôi không đòi hỏi họ phải giả vờ”, Alluora cho biết trên CNBC, “Chúng tôi tìm ra cách giúp họ bộc lộ phẩm chất và tăng cường sức ảnh hưởng”. Cô từng giành danh hiệu Á hậu 2 trong cuộc thi Hoa hậu Singapore năm 2006.

Cô chưa bao giờ từng nghĩ mình sẽ theo nghề này, và cũng không định tham gia các cuộc thi sắc dẹp. Trên thực tế, trước đây, cô còn bị bắt nạt ở trường vì ngoại hình. Tuy nhiên, khi tham gia một cuộc thi người mẫu tại trường đại học, cô đã nhận ra cơ hội kinh doanh này.

“Đó là lần đầu tiên tôi muốn khởi nghiệp, trong lĩnh vực thương hiệu cá nhân”, Alluora nhớ lại. Khái niệm này có thể bị nhiều người bác bỏ vì quá hời hợt. Tuy nhiên, với những người của công chúng, như chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp, nó lại là vô giá.

Genecia Alluora là cựu Á hậu Singapore. Ảnh: Soul Rich Woman

Genecia Alluora là cựu Á hậu Singapore. Ảnh: Soul Rich Woman

“Rất nhiều người trong số họ không hướng ngoại đâu. Họ là những người hướng nội, nhưng tham gia cuộc chơi của những người hướng ngoại”, Alluora nhận xét về các khách hàng của mình, “Họ đã có một đội ngũ đằng sau rồi. Nhưng cách họ truyền đạt và thể hiện hình ảnh của mình trong các chiến dịch, sự kiện mới là điều quan trọng”.

Việc này không chỉ cần chọn trang phục và cân nhắc ngôn ngữ cơ thể cẩn thận. Họ cũng phải cân nhắc về phẩm chất và tâm lý đằng sau vẻ ngoài đó nữa, Alluora giải thích.

Cô đã có kinh nghiệm 3 năm đi thi sắc đẹp và bằng trị liệu nghề nghiệp. Alluora cũng từng học thêm về lập trình tư duy, để làm kế hoạch dự phòng.

“Tôi biết sắc đẹp rồi sẽ tàn phai thôi. Thế nên tôi học thêm nhiều kỹ năng, vì nó sẽ không bao giờ mất đi”, cô giải thích, “Khi bạn trẻ, đẹp, người ta có thể nghi ngờ bạn. Nó là một con dao hai lưỡi. Vì thế, tôi muốn đảm bảo mình có nhiều lựa chọn”.

Alluora đã tham gia lĩnh vực tư vấn hình ảnh này 10 năm. Đến năm 2015, cô quyết định thay đổi, sử dụng kỹ năng tư vấn của mình để giúp các nữ doanh nhân. Cùng năm đó, cô thành lập Soul Rich Woman - nền tảng cố vấn nhằm hỗ trợ doanh nhân nữ toàn Đông Nam Á.

Cô cho rằng với thị trường này, cơ hội hỗ trợ là rất lớn. “Rất nhiều phụ nữ Malaysia muốn có việc làm thêm. Còn ở Singapore, họ muốn tăng quy mô công ty. Người Philippines thì muốn gây dựng thương hiệu”, cô cho biết.

Nền tảng của cô tập trung giúp phụ nữ kinh doanh online. Chỉ 3 năm sau khi hoạt động, họ đã có 5.000 thành viên đóng phí thường niên 300 SGD (223 USD) mỗi năm, 11.000 thành viên cơ bản khác và 200.000 người đăng ký.

“Thương mại điện tử đã phát triển rất mạnh, nhưng rất nhiều phụ nữ vẫn sử dụng các phương pháp truyền thống”, Alluora cho biết, “Chúng tôi muốn tạo ra sự thay đổi và giúp nhiều phụ nữ xây dựng công ty”.

Theo Hà Thu(VnExpress)