Theo đó, đoàn đại biểu gồm 17 đại diện đến từ Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Lào, Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào và Bộ Tài Chính Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Lào, Viện nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp Quốc dân... đã cùng tham dự buổi làm việc này.Trong khuôn khổ buổi làm việc, hai bên đã tập trung bàn các nội dung liên quan đến hoạt động hợp tác và học tập kinh nghiệp của Việt Nam trong việc xây dựng cơ chế chính sách, Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Bùi Trung Nghĩa cho biết: “Khác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Lào, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ra đời từ lâu, tính đến nay là 55 năm, hoạt động phát triển của VCCI gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa”.
Cũng theo Phó Tổng thư ký VCCI, bên cạnh hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, xúc tiến đầu tư thương mại, các hoạt động góp ý chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được VCCI coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Bùi Trung Nghĩa cũng thông tin, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được thông qua tháng 6/2017 và có hiệu lực từ tháng 1/2018, VCCI đã tham gia vào quá trình góp ý Luật này từ khi Luật đang trong quá trình còn dự thảo.
Cũng tại buổi làm việc, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách tại Việt Nam: “Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách là tốt, tuy nhiên làm thế nào để thực thi chính sách đó cũng là điều quan trọng”.
Ông Đậu Anh Tuấn phân tích: “Việt Nam có quỹ hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lâu rồi, tuy nhiên, chính sách này hầu như không thành công trên thực tế. Vì vậy, khi thiết kế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần tính đến bối cảnh thực tế và tính khả thi của chính sách đấy”.
Hiện nay, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang chiếm khoảng 98% doanh nghiệp tại Việt Nam. “Gánh nặng về thủ tục hành chính của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thường lớn nhiều hơn so với doanh nghiệp lớn. Vì vậy, những giải pháp cải cách thủ tục hành chính sẽ có lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa hơn”, Trưởng Ban pháp chế phân tích.
Ông Đậu Anh Tuấn thông tin: “Ở Việt Nam những nhóm thủ tục tác động đến doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn đó là: thanh tra kiểm tra, thủ tục thuế, thủ tục giấy phép... Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường rất khó phản ánh tiếng nói, vấn đề của mình lên chính quyền. Vì vậy, cần có cách thức để doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nói lên được tiếng nói của mình”.
Ông Tuấn chia sẻ, ở Việt Nam, VCCI thường tiến hành các buổi khảo sát, đánh giá về sự hài lòng của doanh nghiệp về ngành thuế, hải quan và những vấn đề nhạy cảm khác để chuyển tải tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tới chính quyền các cấp.
Buổi làm việc đã phần nào giải đáp những thắc mắc và thông tin cần thiết từ phía Bộ Công thương Lào.