“Con cưng” kiếm tiền từ đâu?


Nhà máy Bia Việt Nam - một trong những đơn vị mang lại tăng trưởng lợi nhuận cho Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn.

Khai thác lợi thế, vẫn lỗ

Hiện nay, TPHCM có 98 DN 100% vốn nhà nước, gồm: 17 tổng công ty, công ty TNHH một thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con (gồm 17 Công ty mẹ và 35 DN thành viên 100% vốn nhà nước); 8 công ty TNHH một thành viên độc lập; 2 quỹ địa phương (Quỹ Phát triển nhà ở và Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa); 22 DN công ích quận, huyện và 14 DN đang thực hiện sáp nhập, giải thể, phá sản.

Theo đó, kết quả sản xuất kinh doanh của gần 100 DNNN này trong 5 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt doanh thu 28.868 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận là 3.689 tỷ đồng và có tổng số phát sinh phải nộp ngân sách là 3.074 tỷ đồng.

Rảo qua các DN có kết quả sản xuất kinh doanh đứng ở mức... trì trệ sẽ thấy bất ngờ, bởi họ đang khai thác lợi thế nhà nước! Cụ thể, 8 công ty TNHH một thành viên độc lập của TP (không kể 22 DN công ích quận, huyện) trong 5 tháng nhưng chỉ thực hiện đạt 12,1% kế hoạch năm (1.138 tỷ đồng), giảm gần 13% so với cùng kỳ năm trước (giảm 169 tỷ đồng). Tổng lợi nhuận trong 5 tháng của 8 công ty này chỉ đạt 52 tỷ đồng, giảm 42,58% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính ra mỗi DN mỗi tháng chỉ mang lại lợi nhuận khoảng hơn 1 tỷ đồng. Trong khi, trong số đó có các DN “tên tuổi”, chuyên khai thác lợi thế đất đai, ưu đãi của nhà nước như: Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ cơ quan nước ngoài, doanh thu chỉ tăng 14% nhưng lại tăng nhờ sửa chữa lại mặt bằng cho thuê, nên doanh thu tăng từ cho thuê mặt bằng; Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong chuyên làm các dịch vụ nhưng doanh thu lại giảm 26%; Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị cũng có doanh thu giảm...

Nếu nói các DN khác làm nhiệm vụ chính trị xã hội nên không lời, thì 17 tổng công ty mẹ - con chính là đơn vị kinh doanh chuyên ngành được nhà nước giao phó kinh doanh trong các lĩnh vực, thì kết quả kinh doanh cũng không mấy khả quan. Doanh thu tăng, lợi nhuận tăng nhưng số phát sinh nộp ngân sách lại giảm. Cụ thể, doanh thu của 17 tổng công ty mẹ - con tăng 5,5% (tăng 1.382 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận tăng 26% (tăng 745 tỷ đồng), thế nhưng, tổng số phát sinh phải nộp ngân sách lại giảm “đậm” đến 18,38% so với cùng kỳ năm trước (giảm 630 tỷ đồng). Ngược lại, ở khối công ty TNHH một thành viên độc lập thì doanh thu giảm, lợi nhuận giảm nhưng số phát sinh nộp ngân sách tăng. Điều đó cho thấy số tiền nộp ngân sách không phát sinh từ hiệu quả sản xuất kinh doanh (tức không phải từ thuế thu nhập DN) mà phụ thuộc vào các loại thuế gián thu và thuế đất...

Lãi từ cho thuê đất, thoái vốn...

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn “khám sức khỏe” thật sự của các DNNN thì phải bóc tách từng mảng lợi nhuận, xem lợi nhuận nào từ sản xuất kinh doanh chính, lợi nhuận nào từ đầu tư, khai thác lợi thế đất đai, cho thuê đất, thu từ tiền thoái vốn... Chẳng hạn, ở Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) thì bao nhiêu lợi nhuận thu được từ thương mại, bao nhiêu từ đầu tư vào nhà máy bia Việt Nam; Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn bao nhiêu phần trăm lợi nhuận từ công nghiệp, bao nhiêu phần trăm lợi nhuận từ... thuốc lá?! Nếu không làm rõ thì lãi vẫn thu vào nhưng ngành nghề chính dần héo hắt...

Tình hình xuất khẩu, kinh doanh thời gian gần đây có nhiều khó khăn, do ảnh hưởng thị trường chung thế giới, hoạt động kinh doanh của một số tổng công ty lớn có doanh số giảm. Chẳng hạn, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) hoạt động kinh doanh giảm 8% do lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh, một số khách sạn khu vực trung tâm TP bị ảnh hưởng từ việc thi công tuyến Metro của thành phố. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng giảm 11,5%  do đơn đặt hàng xuất khẩu gạo giảm; Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn giảm 22,32% do kinh doanh địa ốc gặp nhiều khó khăn...

Tuy nhiên, thử tìm hiểu kết quả sản xuất kinh doanh của những tổng công ty đang có tăng trưởng tốt (có tăng so với cùng kỳ) của một số tổng công ty, chúng ta cũng không an tâm. Cụ thể như Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn có doanh thu 5 tháng đầu năm tăng 33,38%, nhưng trong đó gồm cả doanh thu từ hoạt động nhà để xe cao tầng tại địa chỉ số 444 Nguyễn Chí Thanh và 121 - 139 Cô Giang... Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn có doanh thu tăng gần 14% nhưng đó là tiền từ việc chia lợi nhuận của liên doanh Bia Việt Nam 1.600 tỷ đồng. Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận doanh thu tăng đến 290% nhưng nguồn thu là do nhận lợi nhuận được chia năm 2010 từ Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (193 tỷ đồng) và khoản thu từ thoái vốn đầu tư (84 tỷ đồng). Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn tăng 192% nhờ khoản thu từ thoái vốn đầu tư (700 triệu đồng). Công ty TNHH một thành viên Dệt may Gia Định nộp ngân sách tăng 72% là nhờ nộp thuế thu nhập vãng lai từ chuyển nhượng đất Trảng Bàng và thuế GTGT đầu ra tăng...

Nhìn những thành tích kể trên, chúng ta sẽ hiểu vì sao dư luận băn khoăn nhiều về vai trò chủ đạo nền kinh tế của các DNNN, các tổng công ty lớn. Do vậy, để quản lý tốt các “con cưng”, UBND TPHCM cần rà soát lại tất cả các hoạt động kinh doanh, buộc các DN đầu tư vào ngành nghề chính. Nếu không kinh tế nhà nước sẽ rơi vào: lãi ảo, lỗ thật!

Hàn Ni (Sài Gòn Giải Phóng online)