Vụ lật tàu ở Thanh Hóa: Nhân viên gác chắn không làm đúng nhiệm vụ sẽ bị xử lý thế nào?

Như báo Lao Động đã thông tin, vụ lật tàu thảm khốc tại Thanh Hóa đã khiến 2 người thiệt mạng và 9 người bị thương. Khi xảy ra vụ tai nạn, 4 cánh chắn ngang đảm bảo an toàn không được kéo lại. Một số người chứng kiến vụ việc cho biết, sau khi nghe tín hiệu báo tàu, nhân viên gác ra đóng chậm. Lúc này, xe tải chở đá đi qua, bị tàu SE19 tông vào giữa xe, kéo lê khoảng 50m và rơi xuống ruộng.

 1 trong 4 cánh chắn đảm bảo an toàn đường sắt vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: X.H
1 trong 4 cánh chắn đảm bảo an toàn đường sắt vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: X.H

Trao đổi với Báo Lao Động, luật sư Lê Văn Luân (Đoàn luật sư Việt Nam) cho biết: "Những người có liên quan đến việc vi phạm an toàn giao thông gây ra hậu quả nghiêm trọng làm chết 2 người thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm, và làm chết 3 người trở lên thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Nếu hành vi vi phạm gây ra thiệt hại cả về tài sản nhà nước thì có thể bị truy tố thêm tội thiếu trách nhiệm gây ra thiệt hại tài sản cho nhà nước".

Theo luật sư Luân, nếu kết quả điều tra của cơ quan chức năng xác định nhân viên gác chắn nơi xảy ra vụ tai nạn chưa thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao, lơ là không báo hiệu, cảnh báo cho các phương tiện giao thông đường bộ biết dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 360 "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" – Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Luật sư Lê Văn Luân-Đoàn luật sư Việt Nam
Luật sư Lê Văn Luân - Đoàn luật sư Việt Nam

Đồng quan điểm với luật sư Lê Luân, luật sư Đào Thị Lan Anh – Cty Luật Thiên Đức cho rằng: "Để xảy ra tai nạn, người đầu tiên bị xem xét trách nhiệm đó là người lái xe. Tuy nhiên, cũng cần xem xét các thiết bị cảnh báo tại đường ngang, có người gác chắn trực hay không? Nhân viên gác chắn có thực hiện đầy đủ các biện pháp cảnh báo chưa? Ngành đường sắt đã thực hiện đầy đủ lắp đặt các hệ thống cảnh báo, rào chắn theo quy định chưa?".

Đối với lái xe khi đi qua đường ngang không quan sát để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 
Hiện tại đang điều tra làm rõ vụ việc nên chưa thể kết luận lỗi thuộc về ai. Ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An toàn đường sắt (TCT Đường sắt Việt Nam), cho biết: “Chúng tôi chưa thể khẳng định nguyên nhân xảy ra tai nạn là do gác tàu ngủ quên. Công an tỉnh Thanh Hóa và Công an huyện Tĩnh Gia đã vào cuộc xác minh".

Báo Lao Động sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này.