Chậm cấp GCN đăng kiểm xe cơ giới: Quá tải = thiệt hại của DN


Nhiều DN đang tồn hàng trăm xe tải do phải chờ được kiểm định và cấp giấy chứng nhận chất lượng

Dư luận khẳng định, đây là một nghịch lý, một chuyện hy hữu xẩy ra trên thị trường ô tô Việt, vốn đã luôn khác lạ so với hầu hết các thị trường ô tô trên thế giới.

Ủng hộ việc siết chặt...

Thời gian gần đây Bộ GTVT đã có nhiều quy định và thực hiện việc siết chất lượng kiểm định xe cơ giới. Theo quy định mới về kiểm định xe cơ giới bắt buộc phải thử nghiệm sáu linh kiện gồm: Động cơ, bình khí nén, đèn chiếu sang, lốp xe, kính chắn gió, gương chiếu hậu ( so với trước đây, quy định này tăng thêm 3 hạng mục, linh kiện cần kiểm tra là lốp xe, kính chắn gió và gương chiếu hậu)

Trao đổi với DĐDN, phần lớn các DN, nhất là những DN lớn đều lên tiếng ủng hộ quy định mới này vì vừa giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa đảm bảo tốt an toàn giao thông … Tuy nhiên, việc kiểm định này cũng gây không ít bức xúc đối với hoạt động của DN. Một DN lớn, có thị phần hàng đầu về xe tải, xe khách bức xúc phản ánh: “ Với những quy định mới này, chúng tôi đã phải làm việc rất vất vả, vừa phải cố gắng sản xuất các linh kiện vừa đàm phán, trao đổi với nhà cung cấp linh kiện để nghiên cứu, thiết kế lại các linh kiện xe cho phù hợp. Nhưng cũng có những quy định quá khắt khe, không cần thiết. Ví dụ như với kính chắn gió, khi sản xuất nhà sản xuất đã xử lý kỹ thuật nhưng DN vẫn phải cắt miếng nhỏ gửi đi kiểm định. Trường hợp nhập khẩu linh kiện của những nhà sản xuất nổi tiéng cũng vậy, phải có đăng kiểm viên đến tận nơi xem xét, kiểm tra… Điều này thực sự không cần thiết”

Từ việc thực hiện những quy định mới trong kiểm định xe cơ giới, dẫn đến việc các DN đều phải xin cấp mới giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nẩy sinh tình trạng dồn ứ, nhất là đối với những DN lớn như Trường Hải, xe tải Veam… - những DN có hàng chục, hàng trăm mẫu sản phẩm cũng như thường xuyên thay đổi các mẫu sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Với hàng chục, hàng trăm mẫu sản phẩm này và nếu như trước đây việc kiểm định xe cơ giới và cấp giấy chứng nhận tính từ thời điểm gửi hồ sơ mất khoảng 60 ngày, gấp đôi so với 30 ngày trước đó.

Nhưng, nản vì chậm bán xe

Sự chuẩn bị thực hiện quy định mới của Đăng kiểm đang gây thiệt hại cho cả DN lẫn người tiêu dùng và chưa có cách khắc phục.

Một điều dễ nhận thấy, sau một thời gian dài thị trường khó khăn, mấy tháng gần đây, thị trường xe tải, xe khách mới dần hồi phục, phát triển và việc kéo dài thời gian cấp chứng nhận chất lượng đã khiến thời gian giao xe cho khách hàng cũng bị kéo dài theo. Nếu so sánh với trước đây, DN phải mất thêm hàng chục ngày mới giao được xe cho khách hàng. Hiện nhu cầu về xe tải nhẹ, tải trung – những mẫu xe chủ chốt của các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tăng rất mạnh và sự chậm trễ này đang gây thiệt hại không nhỏ cho cả DN lẫn người tiêu dùng.

Cty ô tô Trường Hải – một trong những nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối các loại xe tải, xe khách hàng đầu tại VN cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 7, do vướng mắc, chậm trễ về việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mà Cty đang nợ khách hàng gần 500 xe tải và hơn 100 xe khách, buýt. Tình trạng này vào những ngày đầu tháng 8 vẫn tiếp diễn và chưa có được biểu hiện tích cực hơn. Công ty chúng tôi liên tục thay đổi các mẫu sản phẩm và đương nhiên việc chậm cấp giấy chứng nhận chất lượng làm ảnh hưởng rất lớn – Đại diện công ty cho biết ( Theo thống kê 6 tháng đầu năm, Trường Hải đã xin cấp Giấy CNCL cho 11 mẫu xe khách và 25 mẫu xe tải; 6 tháng cuối năm sẽ xin Giấy CNCL cho khoảng 75 mẫu xe tải và một số mẫu xe khách nữa). Tương tự, đại diện  ô tô VEAM cho biết, trong tháng 7, gửi hồ sơ 2 mẫu xe tải xin cấp Giấy CNCL nhưng với tình hình này chắc phải tới tháng 9 mới xong, khi đó mới dám lắp ráp. Hiện linh kiện nhập về phải cất trong kho và DN bị thiệt hại do vốn bị ứ đọng.

Sơn Dũng