Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

 

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam có tổng chiều dài là 570.448 km (gồm 3 hệ thống chính: 21.109 km quốc lộ do trung ương quản lý; 583 km đường cao tốc đã đưa vào khai thác, chưa kể các tuyến đường cao tốc đang xây dựng sẽ đưa vào khai thác trong thời gian tới; 548.756 km hệ thống đường địa phương: 26.953 km đường đô thị, 28.911 km đường tỉnh, 492.892 km đường giao thông nông thôn) và trên 28 ngàn cây cầu lớn nhỏ các loại. Hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở nước ta hiện đang đảm nhận khoảng 90% về vận tải hành khách và 70% về vận tải hàng hoá trong toàn bộ hệ thống giao thông vận tải của cả nước.

Chính sách hiện hành về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ (Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các Thông  tư hướng dẫn) đã được ban hành tương đối đầy đủ; sau 05 năm thực hiện, việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ đã đạt được những thành công nhất định

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn một số tồn tại nhất định như: (i) chưa quy định cụ thể các tiêu chí hoặc phương pháp xác định giá cho thuê, giá chuyển nhượng quyền thu phí, giá chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; (ii) nguồn kinh phí bảo trì tài sản; (iii) công tác triển khai thực hiện còn chậm, chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư, khai thác tài sản, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Do vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là có cơ sở pháp lý và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Dự thảo quy định rõ, tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (bao gồm đất gắn với tài sản) gồm: Đường và các công trình phụ trợ gắn liền với đường (bao gồm cả cầu đường bộ dài dưới 25 m, cống); cầu đường bộ dài từ 25 m trở lên và các công trình phụ trợ gắn liền với cầu đường bộ; hầm đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với hầm đường bộ; bến phà đường bộ và các công trình phụ trợ gắn liền với bến phà đường bộ; trạm kiểm tra tải trọng xe; trạm thu phí đường bộ; bến xe; bãi đỗ xe; nhà hạt quản lý đường bộ; trạm dừng nghỉ; các công trình khác phục vụ giao thông đường bộ.

Dự thảo đề xuất phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như sau: Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gồm: Phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; tiền thu từ giá dịch vụ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và các khoản thu khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật; tiền thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định tại Nghị định này trong trường hợp cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Theo Khánh Linh(Báo Chính phủ)