Doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức và cơ hội mới

Chương trình do Trường đào tạo doanh nhân PTI và Văn phòng tư vấn doanh nghiệp PEC & cộng sự phối hợp tổ chức.

Tham dự hội thảo có GS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam; TS Nguyễn Sỹ Dũng  - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Ông Nguyễn Tất Thịnh – Hiệu trưởng Trường doanh nhân PTI cùng hơn 1.000 học viên của các lớp CEO - MBA của PTI hiện đang là doanh nhân, những nhà quản trị - quản lý doanh nghiệp trên toàn quốc.

Toàn cảnh Hội thảo

Tín hiệu tích cực

Tại Hội thảo, GS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đã đưa ra nhận định: Tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ tốt dần lên, nhưng không thể có một cú xoay chuyển thần kỳ như chúng ta mong đợi ngay lập tức.

GS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ông Thiên cũng khẳng định: "Trong giai đoạn tới những thúc đẩy về cải cách kinh tế sẽ tốt lên rất nhiều. Việt Nam có cam kết với thế giới rất mạnh. Tới đây, sẽ còn mạnh hơn khi Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ký Hiệp định thương mại với Liên minh Châu Âu (EU). Tôi cho rằng những thay đổi sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2015. Đây chính là thời điểm tốt để chúng ta nắm bắt cơ hội".

Khi được hỏi về lời khuyên dành cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn ở giai đoạn khó khăn, ông Trần Đình Thiên cho rằng: “Cuộc chơi lớn bao giờ cũng đòi hỏi năng lực rất căn bản, chứ không thể là sự vá víu, chộp giật. Mỗi doanh nghiệp cần phải có chiến lược hành động cho thích hợp với cuộc chơi này. Đây là điều mà tôi muốn PTI góp sức để doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh một cách căn bản, vững mạnh trong cuộc đua với thế giới”.

Cần đi trước, đón đầu

Nhiều doanh nghiệp nhận xét bộ máy quản lý hành chính công của Việt Nam dù đã cố gắng cải thiện song vẫn kém về hiệu quả, gây phiền hà trong các khâu hành chính thủ tục. Mặt khác, từ khi gia nhập WTO và tham gia các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có khuynh hướng mở rộng cửa thị trường trong nước cho hàng hóa và tư bản nước ngoài nhưng lại thiếu các chính sách, biện pháp kiểm soát hữu hiệu để loại trừ những dự án FDI thiếu chất lượng hoặc có vấn đề về an ninh quốc gia, không loại bỏ những doanh nghiệp tham gia đấu thầu không có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc có tiền án vi phạm các cam kết.

Ở một bình diện cao hơn liên quan tới chính trị, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong mối quan hệ với nước láng giềng khổng lồ và đang trong quá trình trỗi dậy rất mạnh. Một loạt các sự kiện xảy ra trong hơn hai tháng gần đây trên Biển Đông đã thực sự mang lại những gợi ý cần thiết để các doanh nghiệp - doanh nhân chuyển trục trong quan hệ kinh tế, thương mại của mình.

GS.TS Trần Đình Thiên và TS Nguyễn Sỹ Dũng tại phiên đối thoại

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Chuyển động của Chính phủ đang đi theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam bứt phá. Chính vì vậy, chúng ta cần phải tập hợp lực lượng, tuân thủ đúng chính sách, đường lối của nhà nước chứ không nên đứng ngoài cuộc chơi.

Ông Dũng nhận định: Cơ hội cũng chính là thách thức. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động đi trước, đón đầu. Đừng làm kinh doanh theo kiểu thả mồi xuống rồi chờ con cá ăn mồi của mình. Mà phải chủ động định hướng rõ khách hàng của mình, và chủ động sản xuất để đón trước cơ hội.

Trí Dũng