Quản lý lao động Trung Quốc: Chiêu trò của DN hay sự thờ ơ của địa phương?


Lao động Trung Quốc chiếm đông đảo tại các dự án do DN Trung Quốc trúng thầu

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, UBND tỉnh đã ban hành công văn chấp thuận cho Cty China Chengda Engineering được tuyển trên 2.100 người lao động Trung Quốc đến làm việc tại công trình Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 (tỉnh Trà Vinh) vì không tuyển được lao động người VN.

DN mập mờ, địa phương làm ngơ

Theo đó, ông Dương Quang Ngọc - Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, phía Cty China Chengda Engineering có chuyển thông tin tuyển dụng lao động đến sở và các phòng lao động - thương binh và xã hội cấp huyện, thành phố cũng như các trung tâm giới thiệu việc làm. Toàn bộ vị trí tuyển dụng không phải lao động phổ thông mà là lao động kỹ thuật cao và chuyên gia. Tuy nhiên, thông tin đính kèm các vị trí tuyển dụng của phía Cty Trung Quốc luôn mập mờ như tuyển “nhân viên kỹ thuật, nhân viên phòng thương vụ, nhân viên an toàn...” mà không nói rõ những thông số liên quan khiến Trung tâm giới thiệu việc làm loay hoay trong thông tin đăng tuyển và cả người lao động tìm việc làm cũng không rõ.

Khi Trung tâm chuyển hàng chục hồ sơ thì đợi mãi đến qua ngày phỏng vấn cũng không thấy phía Cty Trung Quốc trả lời, nhiều lần mời lên tận trung tâm lo miễn phí công việc tuyển chọn, phía Cty Trung Quốc cũng lẩn tránh.

Trong khi đó, theo trả lời mới đây của lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), việc cấp phép cho lao động nước ngoài hiện nay được phân cấp cho các địa phương. Nhưng cũng có thực tế do ưu đãi để mời gọi các nhà đầu tư đến với mình, nhiều địa phương sẵn sàng ngó lơ để nhà đầu tư sử dụng lao động kiểu nào cũng được. Trà Vinh liệu có nằm trong trường hợp này?

Phân loại để quản lý

Thực tế, về mặt chính sách, Nhà nước đã ban hành khá nhiều các văn bản cũng như các quy định nhằm quản lý, siết chặt lao động nước ngoài ở VN. Gần đây nhất Chính phủ đã ban hành Nghị định 102 quy định chi tiết thi hành một số điều của BLLĐ về LĐ nước ngoài làm việc tại VN, Bộ LĐTB&XH cũng đã ban hành Thông tư 03 hướng dẫn thi hành Nghị định có hiệu lực từ 1/3/2014. Trong đó đều khẳng định: VN chỉ tuyển dụng người nước ngoài là các nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật. Các quy định cho đến nay luôn nhất quán là VN không chấp nhận lao động phổ thông nước ngoài vào VN làm việc và đối với các công việc cần chuyên gia, giám đốc điều hành hay lao động kỹ thuật, nếu người VN có thể đáp ứng được thì cũng phải tuyển lao động VN. Tuy nhiên, thực trạng lao động phổ thông, nhất là lao động Trung Quốc vẫn ngang nhiên làm việc và có xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo các chuyên gia, để giải quyết triệt để tình trạng này thì trước hết, các cán bộ quản lý phải nhìn vấn đề lao động nước ngoài ở tầm quốc gia (bao gồm: tinh thần tự tôn, sự tự chủ và sáng tạo), theo đó ý thức pháp luật của Nhà nước phải được thực thi nghiêm túc trên tinh thần bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động VN trên chính quê hương mình. Vì thực tế, trong khi hàng nghìn lao động tại một số tỉnh thành đang "dài cổ" chờ việc, thì cơ quan quản lý lại "quyết tâm" cấp phép cho lao động nước ngoài vào làm việc là một điều nghịch lý!

Theo chuyên gia Nguyễn Lê Minh, đối với Mỹ hay Singapore, khi ra quyết định tuyển dụng ở bất kỳ vị trí nào đối với lao động nước ngoài họ cũng phân nhóm rõ ràng và tiến hành thi tuyển, kèm theo với hồ sơ ứng tuyển là những giấy tờ tùy thân, bằng cấp trong trường hợp không đáp ứng yêu cầu, ngay lập tức bị trục xuất. “Nên chăng VN cũng nên làm như vậy” - chuyên gia này đề xuất.    

Ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH:

Trong thời gian tới, các quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát lao động nước ngoài vào làm việc tại VN. Bên cạnh đó, Bộ LĐ - TB&XH: cũng đã thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định: Nhà thầu nước ngoài muốn đưa lao động hoặc trình độ thấp vào làm việc phải lên kế hoạch cụ thể và được sự chấp thuận của chủ đầu tư; đồng thời, nhà thầu phải chứng minh được những vị trí họ không tuyển dụng được lao động VN. Chủ tịch UBND các tỉnh, TP sẽ kiểm tra thực tế và quyết định tuyển dụng lao động nước ngoài làm việc theo giấy phép lao động. Nếu cơ quan thanh tra lao động phát hiện lao động nước ngoài làm việc tại VN không phép sẽ buộc lao động xuất cảnh thay vì trục xuất như trước đây. Quy định này sẽ giảm bớt rườm rà trong thủ tục bởi Bộ trưởng Bộ Công an ký mới có thẩm quyền ký lệnh trục xuất trong khi buộc xuất cảnh chỉ cần giám đốc công an tỉnh ký quyết định.

M.Thanh