Tham vấn giá: Nỗi niềm của hai “đối tác”

Qua thực tế kiểm tra trị giá khai báo tính thuế cho thấy một thực tế đang tồn tại: các doanh nghiệp đều cố gắng khai làm sao có lợi cho mình nhất với số bị thu càng thấp càng tốt.

Doanh nghiệp muốn lách

Theo báo cáo của Cục Hải quan TP HCM, trung bình mỗi năm, Cục thực hiện tham vấn giá từ 5.000 đến 6.000 bộ tờ khai. Số tiền thu về từ việc tham vấn lên tới hàng trăm tỉ đồng. Đa phần các hàng bị tham vấn giá là các hàng có giá trị lớn như sữa bột các loại, camera, máy chiếu, giấy các loại… Các doanh nghiệp lợi dụng yếu tố vòng đời của sản phẩm để khai báo giá thấp. Nhiều mặt hàng đồ điện tử, đồ gia dụng bị khai giảm từ 20 - 25% so với giá thực tế NK.

Bên cạnh đó, doanh nghiệpcố tình khai giảm chất lượng của hàng hóa nhập khẩu, như: hàng tồn kho, hàng loại B, loại II, loại III, có chất lượng kém để giảm giá khai báo hoặc khai báo giá hàng thành phẩm thấp hơn giá nguyên liệu. Chẳng hạn như mặt hàng bộ nồi inox, doanh nghiệp nhập khẩu 4,6 tấn nồi inox, khai báo với giá 710 USD/tấn, trong khi đó nguyên liệu inox nhập khẩu đã có giá từ 800 đến 1.000USD/tấn.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn khai báo giá thấp hơn nhiều (bằng 50%) so với giá thực tế mua bán do được độc quyền phân phối sản phẩm tại Việt Nam như: Thực phẩm chức năng, mĩ phẩm... Đối với các dự án đầu tư, khi thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp trà trộn một số hàng hóa doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu lẫn với một số hàng hóa không đủ điều kiện miễn thuế nhập khẩu. Để đối phó với cơ quan hải quan và để trốn thuế nhập khẩu, doanh nghiệp đã thực hiện việc chuyển giá, nâng giá của các mặt hàng trên cao hơn đối với các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu, đồng thời giảm giá đối với hàng không được miễn thuế nhập khẩu.

Hải quan không muốn “buông”

Trước muôn hình vạn trạng “lách” của doanh nghiệp, lực lượng hải quan xác định việc tham vấn giá là một trong những biện pháp đảm bảo thu đúng, thu đủ cho ngân sách, đảm bảo công bằng cho môi trường kinh doanh. Do vậy, công tác tham vấn giá luôn được đẩy mạnh và quán triệt tới từng chi cục hải quan. Ngoài danh mục quản lý rủi ro cấp Tổng cục, dưới mỗi chi cục còn phải tự xây dựng các danh mục quản lý rủi ro theo đặc thù của từng địa bàn.

Ngoài ra, để tiếp thêm sức mạnh cho ngành hải quan trong công tác quản lý rủi ro, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 29/2014/TT-BTC ngày 26/2/2014 hướng dẫn cơ quan hải quan các tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra trị giá tính thuế hàng nhập khẩu. Thông tư có hiệu lực ngày 12/4/2014.

Theo đó, khi hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm tra toàn bộ các tiêu chí ghi trên tờ khai hải quan nhập khẩu, tờ khai trị giá do người nhập khẩu khai báo như tên hàng, chi tiết ký mã hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá, phù hợp với các tiêu chí trên tờ khai trị giá.

Đơn vị tính phải được định lượng rõ ràng theo đơn vị đo lường phù hợp với tính chất loại hàng. Trường hợp không định lượng được rõ ràng thì phải tiến hành quy đổi tương đương và phải thống nhất với đơn vị tính của hàng hóa có cùng mã số quy định tại Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Cơ quan hải quan có nhiệm vụ yêu cầu người khai hải quan khai làm rõ thêm thông tin về hàng hóa nếu tên hàng, đơn vị tính không được khai báo cụ thể, không định lượng được theo quy định và kiểm tra tính chính xác của hồ sơ và tính phù hợp của các chứng từ liên quan đến việc xác định trị giá tính thuế.         

Mai Linh