Chiến lược vượt khủng hoảng

Cty Hoàng Anh Gia Lai, sau khi thực hiện thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng tập trung vào nông nghiệp bao gồm cao su, mía đường, cọ dầu, báo  cáo tài chính quý 2/2013 cho thấy, lợi nhuận của Cty tăng vọt nhờ mía đường. Tính tới 30/6/2013, tổng tài sản HAGL đạt trên 32.980 tỉ đồng.

Khủng hoảng chiến lược

Còn tại Cty loa tranh AA, trong bối cảnh doanh số, lợi nhuận liên tục sụt giảm, tồn kho nhiều khiến Cty đứng bên bờ vực. Với nỗ lực bám trụ, Cty này đã dồn mọi nguồn lực để tập trung cho quảng cáo và điều này đã giúp Cty thoát ải "tử" trong gang tấc, dần lấy lại được doanh số và lợi nhuận... Nhưng không phải DN nào cũng làm được điều này. Nhất là với những DN cùng một lúc đối mặt với nhiều khó khăn đến từ thị trường, khách hàng, từ nội tại của DN. Các giải pháp, các nỗ lực hầu như không giúp DN kéo doanh số, lợi nhuận đi lên, thậm chí còn đi xuống trầm trọng hơn. Tại Cty CP Bê Tông Biên Hòa lỗ tiếp gần 16 tỉ đồng trong năm 2013 và đây là năm thứ ba liên tiếp DN này bị thua lỗ.... Việc thua lỗ triền miên gây ra rất nhiều hậu quả trầm trọng và cũng là lý do hàng trăm nghìn DN đã phải rời khỏi thị trường. Đó là lý do vì sao Chương trình Chìa khóa thành công - CEO số 50 phát sóng vào 10h sáng Chủ nhật ngày 09/03/2014 đã đưa vấn đề “Giải pháp vượt qua khủng hoảng – Chiến lược kinh doanh” để các doanh nhân bàn bạc giải pháp. Thông qua câu chuyện của một DN trong lĩnh vực thời trang công sở bị khủng hoảng chiến lược kinh doanh, nhiều giải pháp hữu ích đã được các doanh nhân đưa ra.

Điều chỉnh

Thành viên thứ nhất trong Ban giám đốc cho rằng DN cần phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh ngay lập tức, đồng thời đa dạng hóa các kênh bán hàng và tận dụng nguồn lực bên ngoài thúc đẩy hoạt động bán hàng. Thành viên thứ hai thì tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt như: Tìm đúng nguyên nhân gây sụt giảm doanh số, tìm hiểu hoạt động cạnh tranh của các đối thủ. Bên cạnh đó cần nghiên cứu lại thị trường, khách hàng để cho ra đời các sản phẩm khác biệt và đủ khả năng cạnh tranh. Thành viên thứ ba cũng có cùng quan điểm trên và đưa ra nhiều ý kiến cụ thể hơn. Đầu tiên Cty phải tập trung vào các giải pháp kéo doanh số lên, nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm mới, hợp thời trang. Sau đó mở 3 – 5 cửa hàng ở các vị trí trung tâm, cho đóng cửa những cửa hàng ở vị trí xa và đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm, bán hàng qua mạng, đa dạng hóa các dịch vụ của Cty và tiến hành cắt giảm chi phí, tìm nguồn bổ sung vốn.

CEO của chương trình đã có những cách giải quyết vấn đề theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1: Tập trung vào các giải pháp phục hồi doanh số như: Đẩy mạnh các hoạt động bán hàng online; Tổ chức quảng cáo, bán hàng trực tiếp; Nâng cao chất lượng dịch vụ, bán hàng và chăm sóc khách hàng; Tăng cường các hoạt động khuyến mãi và cho ra đời các mẫu mã, thiết kế mới. Giai đoạn 2: Củng cố hệ thống bán hàng, nâng cao năng lực thiết kế; Rà soát và củng cố quy trình và hệ thống quản lý. Giai đoạn 3: Mở rộng hệ thống cửa hàng ở trung tâm; Tăng cường RP, quảng cáo và mở rộng quy mô sản xuất. Các thành viên trong HĐQT rất đồng tình với những phương án của CEO lưu ý thêm rằng: CEO nên xác định năng lực cạnh tranh cốt lõi của Cty là gì và giữ vững các hoạt động tái cấu trúc của Cty. Tập trung và ưu tiên tái cấu trúc sản phẩm trước; Có các giải pháp thúc đẩy kênh bán hàng; Tái cơ cấu các hoạt động xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu thị trường, khách hàng và đặc biệt phải bám sát chiến lược của Cty.

Chủ đề “Giải pháp vượt qua khủng hoảng – Bài toán nhân sự”, sẽ phát trên sóng VTV1 lúc 10h00 sáng Chủ Nhật, ngày 23/03/2014
Để chia sẻ thêm với các DN khác về vấn đề này, xin mời quý vị gửi email về địa chỉ toasoan@dddn.com.vn,
hoặc xem lại chương trình tại website www.chiakhoathanhcong.vtv.vn; www.khoinghiep. org.vn

Lương Chi