Ông Ngô Mới (Đà Nẵng) là tổ trưởng dân phố, ngoài hoạt động theo quy định chung, UBND phường ban hành riêng một quy chế hoạt động phối hợp giữa cảnh sát khu vực với tổ trưởng dân phố trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo đó, tại Chương II Điều 6 Điểm B về trách nhiệm của tổ trưởng dân phố có ghi, tổ chức cho nhân dân bắt người phạm tội quả tang, tước vũ khí và hung khí của người bị bắt.
Ông Mới hỏi, nếu tổ trưởng bị chết hoặc bị thương do tội phạm manh động gây ra thì tổ trưởng có được công nhận là liệt sĩ hoặc thương binh không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh được quy định tại Điều 17, Điều 27 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, trong đó: Người hy sinh (hoặc bị thương) trong trường hợp trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự thì được xem xét, giải quyết xác nhận liệt sĩ (hoặc thương binh, người hưởng chính sách như thương binh).
Theo đó, nếu người tổ trưởng dân phố bị hy sinh (hoặc bị thương) trong trường hợp tổ chức và truy bắt đối tượng có hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự thì được xem xét giải quyết xác nhận liệt sĩ (hoặc người hưởng chính sách như thương binh).